Y học - Bệnh lý

Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường

Ngày: 01-11-2012

Đái tháo đường (theo định nghĩa của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ ADA 2004) là một nhóm các bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu do khiếm khuyết tiết insuline, khiếm khuyết hoạt động insuline, hoặc cả hai. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân vì sao lại có hiện tượng đó xảy ra.

Bình thường, thức ăn được đưa vào cơ thể nhằm cung cấp năng lượng duy trì cho các hoạt động sống. Nồng độ đường trong cơ thể luôn duy trì ở mức độ nhất định (mức đường huyết ổn định 0,8 – 1,1g/l), sau khi ăn nồng độ đường này sẽ tăng lên, hoocmon insuline do tuyến tụy tiết ra sẽ giúp chuyển hóa glucose (đường) thành glycogen dự trữ ở tế bào gan và cơ.

Ở người Đái tháo đường(ĐTĐ) thì quá trình chuyển hóa từ glucose thành glycogen không thể diễn ra, nồng độ glucose trong máu sẽ tăng, lúc đó glucose chưa chuyển hóa sẽ được thải nhiều qua nước tiểu, nguyên nhân là do insuline không được tiết ra hay hoạt động tiết insuline của tuyến tụy bị rối loạn.

Ở những tuýp đái tháo đường khác nhau sẽ có những nguyên nhân gây bệnh khác nhau, trong chuyên mục này chúng tôi chỉ đề cập đến các nguyên nhân của ĐTĐ tuýp 1 và 2.

Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường - Y học - Bệnh lý - Bệnh tiểu đường | Đái tháo đường - Kiến thức y học

Nguyên nhân chính gây ra ĐTĐ tuýp 1 là do có sự hủy hoại các tế bào beta của đảo tụy (nơi sản xuất insuline) làm cho insuline thiếu hụt gần như tuyệt đối

1. Nguyên nhân gây ra  ĐTĐ tuýp 1

Ở ĐTĐ tuýp 1, có sự hủy hoại các tế bào beta của đảo tụy (nơi sản xuất insuline) làm cho insuline thiếu hụt gần như tuyệt đối (insuline không được tiết ra). Những nguyên nhân có thể làm cho tế bào tuyến tụy bị phá hủy như:

– Sự nhiễm trùng, nhiễm độc làm tổn thương tụy: Yếu tố môi trường kết hợp với tổn thương chức năng tế bào tụy bao gồm virus (virus quai bị, rubella), tác nhân hóa học hay các chất độc (hydrogen cyanide từ sắn bị hỏng là một chất độc có khả năng hủy hoại tế bào).

– Yếu tố di truyền và miễn dịch cũng đóng vai trò liên quan dẫn đến ĐTĐ tuýp 1.

2. Nguyên nhân gây ra ĐTĐ tuýp 2

Có sự rối loạn tiết insuline ở bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2, tức là insuline vẫn được tuyến tụy tiết ra nhưng cơ thể lại kháng chính insuline này.

Những người béo phì, nhất là béo bụng, kết hợp với không hoặc ít hoạt động thể lực thì thường bị ĐTĐ tuýp 2, do sự đáp ứng của insuline với thụ thể của nó đã bị mất đi.

Sự đề kháng insuline là hậu quả của nhiều cơ chế bệnh sinh khác nhau, chủ yếu là do hậu quả của các rối loạn chuyển hóa như tăng glucose máu, tăng các acid béo không este hóa.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ĐTĐ tuýp 2 có thể là:

– Tuổi từ 45 trở lên

– Người béo phì, nhất là béo phì dạng quả táo (BMI ≥ 23, vòng eo > 90cm với nam và >80 cm với nữ)

– Tiền sử gia đình bị ĐTĐ (bố, mẹ, anh, chị, em ruột đã mắc bệnh ĐTĐ)

– Tăng huyết áp vô căn ( ≥ 140/90 mmHg) và/hoặc rối loạn lipid máu.

– Người có tiền sử ĐTĐ thai nghén (sinh con nặng ≥ 4kg)

– Người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose hoặc giảm dung nạp glucose lúc đói.

– Ngoài ra các yếu tố thuận lợi như tĩnh tại, ít hoạt động thể lực, stress, chế độ ăn nhiều chất béo và giàu đường đơn, các thuốc làm tăng đường huyết,… cũng là những điều kiện dẫn đến ĐTĐ tuýp 2.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*