Y học - Bệnh lý

Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị đau dây thần kinh liên sườn

Ngày: 14-11-2012

Đau dây thần kinh liên sườn là một bệnh lý thường gặp mà dân gian thường gọi là đau ngực, tức ngực, đau mạng sườn. Đau dây thần kinh liên sườn là những cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt dọc theo dây thần kinh liên sườn và là biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau có hoặc không có nguyên nhân.

Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị đau dây thần kinh liên sườn - Y học - Bệnh lý - Bệnh đau dây thần kinh - Kiến thức y học

Thần kinh liên sườn là các dây thần kinh xuất phát từ đoạn tủy ngực D1 – D12 chạy dọc theo bờ dưới của các xương sườn cùng với động mạch, tĩnh mạch liên sườn trong bó mạch thần kinh liên sườn. Sau khi qua lỗ ghép rễ thần kinh chia thành hai nhánh: nhánh trước (vận động) điều khiển sự co giãn của các cơ liên sườn trong động tác hô hấp và các cử động khác, nhánh sau (cảm giác) nhận cảm giác của da và các cơ quan bộ phận trong  lồng ngực tương ứng.

1. Nguyên nhân gây bệnh

Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát

Nguyên nhân gây bệnh không rõ ràng, có thể là do lạnh hoặc do vận động sai tư thế hoặc quá tầm. Bệnh nhân đau tăng thường nhầm với bệnh lý của phổi. Da và các cơ quan vùng đau không có biểu hiện tổn thương.

Đau dây thần kinh liên sườn thứ phát

+ Do bệnh lý tổn thương ở đốt sống: thoái hóa cột sống, lao cột sống hoặc ung thư cột sống.

+ Do bệnh lý tổn thương tủy sống:  u rễ thần kinh, u ngoại tủy.

+ Do chấn thương cột sống: gây nên gãy cột sống, trật cột sống… chèn ép lên dây thần kinh gây đau.

+ Do nhiễm khuẩn: như cúm, lao, thấp khớp mà thường gặp nhất là bị nhiễm vi-rút  Herpes Simplex gây nên bệnh Zona thần kinh, mà dân gian thường gọi là bệnh giời leo. Bệnh này hay xảy ra ở những người bị nhiễm Herpes Simplex có cơ địa yếu, tiểu đường, lao phổi hay đang sử dụng thuốc kháng viêm corticoide.

Ngoài các nguyên nhân gây bệnh kể trên, đau dây thần kinh liên sườn còn do các bệnh bên trong (phổi, màng phổi, tim, gan) và một số nguyên nhân khác như đái tháo đường, nhiễm độc một số kim loại như chì, viêm đa dây thần kinh…

2. Biểu hiện của bệnh

Đây là những cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt dọc theo dây thần kinh liên sườn. Bệnh thường hay nhầm với các cơn đau tức ngực thông thường nên cần chú ý một số biểu hiện sau:

– Đau ngực: đau từ ngoại vi (vùng ngực, xương ức) trở vào cột sống, cảm giác này tăng khi ho, hắt hơi hay thay đổi tư thế. Người bệnh thường chỉ đau ở một bên, trái hoặc phải, có thể có điểm đau và hiện tượng tăng cảm giác ở vùng đau khi bác sĩ khám.

– Đau do zona liên sườn: Là thể hay gặp nhất, biểu hiện ban đầu là đau ngực 3-4 ngày, thường thấy một bên và có cảm giác bỏng rát ở người trẻ, đau nhiều ở người già. Người bệnh cảm thấy mệt, sốt nhẹ, đau hạch nách, dừng lại ở giữa, sau đó phát ban đỏ, mụn nước ở vùng da có dây thần kinh liên sườn đi qua. Mụn nước dịch trong và màu hơi tím, sau 2-3 ngày hóa mủ, đóng vảy khô và bong sau 10 ngày. Cuối cùng xuất hiện ban da hình dãy từ cột sống tới xương ức.

3. Điều trị

Ngày nay, y học đã tìm ra phương pháp chữa trị và việc thực hiện khá dễ dàng. Tuy nhiên bệnh cũng có thể tái phát nhiều lần, vì vậy cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh để có phác đồ điều trị thích hợp.

– Giảm đau: thông thường dùng các loại thuốc như paracetamol, diclofenac… uống ngày 2-3 lần. Cần thận trọng với những người có tiền sử dị ứng với các loại kháng sinh này.

– Điều trị đau thần kinh: thường dùng nhóm gabapentin, có tác dụng chống co giật, giảm đau, đôi khi xuất hiện tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, choáng váng…

– Thuốc giãn cơ vân: thường dùng là myonal, mydocalm… có tác dụng giảm đau, giảm co rút vùng sườn bị tổn thương, giãn cơ.

– Vitamin nhóm B liều cao: chủ yếu là B1, B6, B12 giúp chuyển hóa các tế bào thần kinh và khôi phục tế bào bị tổn thương, tuy nhiên không nên lạm dụng chúng.

Đối với zona liên sườn, nên cho người bệnh bôi acyclovir (vacrax) mỗi ngày 2-3 lần vào dải mụn nước. Có thể dùng thêm các thuốc giảm đau, nếu cần cho thêm một ít thuốc an thần.

Cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý như ăn uống đầy đủ chất đạm, đường, béo, hoa quả chín…

4. Phòng bệnh

– Cần điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm khuẩn, chống loãng xương, tránh chấn thương và không lạm dụng thuốc corticoid.

– Phát hiện sớm biểu hiện của bệnh đau dây thần kinh liên sườn và các chứng đau của bệnh tim, phổi, bệnh nhiễm khuẩn. Khi có biểu hiện đau tức ngực, đau mạng sườn cần đến ngay bác sĩ để được khám và xác định nguyên nhân.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*