Y học - Bệnh lý

Bệnh động kinh ở trẻ em

Ngày: 21-11-2012

Với nhiều bậc phụ huynh, chăm sóc trẻ lớn lên khỏe mạnh là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng nguy cơ cao dễ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm, nhất là các bệnh về thần kinh. Trong các bệnh mãn tính của não, động kinh vẫn là nhóm bệnh phức tạp và phổ biến, đứng hàng thứ hai sau các nhiễm trùng thần kinh.

Bệnh động kinh ở trẻ em - Y học - Bệnh lý - Bệnh động kinh - Kiến thức y học - Sức khỏe trẻ em

1. Triệu chứng bệnh động kinh ở trẻ

 Cơn toàn thể

Trẻ bị co giật toàn thân, cơn co giật cơ ngắn và đối xứng 2 bên, bị té ngã; cứng người, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, dãn đồng tử, có thể cắn lưỡi, thở hổn hển, ngưng thở, đái dầm, sùi bọt mép; mất ý thức một thời gian ngắn: mắt bất động, nhìn xa xăm, mơ màng, ngừng ngắt quãng các hoạt động đang làm.

Cơn cục bộ

Bao gồm có các biểu hiện sau:

+ Trẻ co giật ở một phần cơ thể: co giật ngón tay, ngón chân, nửa mặt hoặc nửa người.

+ Trẻ rối loạn cảm xúc, hành vi: Đang học trong lớp bỗng trẻ đứng dậy đi đi lại lại hoặc bỏ chạy ra ngoài, miệng có các động tác tự động (nhai, nuốt, liếm, ngoạm), động tác tay (gãi, cọ xát, lục tìm đồ vật, cài mở nút áo), thay đổi sắc mặt… Cơn này kéo dài 5-10 phút (có khi 30 phút), khi hết cơn trẻ trở lại bình thường.

Cơn vắng ý thức thoáng qua

Trẻ ngưng hoạt động trong chốc lát, bị ảo giác, không nhìn thấy, ù tai, không biết chuyện gì xảy ra xung quanh. Cơn này chỉ kéo dài vài giây.

2. Nguyên nhân phát sinh bệnh động kinh ở trẻ

Động kinh ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên như:

– Mẹ bị chấn thương, ngộ độc khi mang thai.

– Trẻ bị sinh non, bị ngạt khi sinh, có can thiệp gây tai biến.

– Nhiễm trùng hệ thần kinh như: tiền sử viêm não, viêm màng não, chấn thương, u não, các bệnh lý về não…

– Suy hô hấp nặng, sốt cao co giật nhiều lần.

– Do bệnh bẩm sinh, thế hệ trước có người bị thì thế hệ sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

– Nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân.

3. Xử trí khi trẻ bị động kinh

Khi trẻ lên cơn động kinh, bà mẹ nên đưa trẻ vào nơi an toàn, tránh để con va chạm vào thành, tường… Đặt đầu trẻ nghiêng qua một bên để đờm nhớt (nếu có) chảy ra. Nới rộng quần áo cho trẻ, chèn miệng bằng khăn hoặc vật mềm, không giữ tay chân bé khi đang co giật, tránh đông người đứng xung quanh.

Tránh giật tóc hoặc kéo tay chân trẻ, không đưa bất cứ thứ gì vào miệng trẻ để tránh gây biến chứng hoặc nghẹt thở. Cơn co giật thường diễn ra trong 5-10 phút, sau cơn giật trẻ thường ngủ, để trẻ yên tĩnh, nếu trên 15 phút thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế.

Khi đã xác định trẻ bị động kinh, cần đưa trẻ đến bác sĩ điều trị và làm các xét nghiệm như: siêu âm não, CT Scanner sọ não, MRI sọ não … để tìm tổn thương thực thể ở não bộ (nếu có) và điều trị tận gốc.

4. Cách phòng tránh và chăm sóc

– Gia đình là nơi gần gũi và thân thuộc nhất với trẻ nên đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị động kinh, luôn luôn động viên, khuyến khích trẻ, không để trẻ bị căng thẳng, khi tâm hồn trẻ được an bình, tư tưởng vui vẻ thì bệnh động kinh sẽ thưa dần.

– Trông nom giáo dục trẻ cẩn thận, tránh các nguy hiểm có thể xảy ra khi lên cơn mà không có người lớn bên cạnh như khi ra đường, chạy xe, bơi lội…

– Cho trẻ ăn uống điều độ, đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo đủ chất đường, đạm và chất béo, không dùng các chất kích thích như: cà phê, rượu bia, thuốc lá…

Lưu ý không có chế độ dinh dưỡng riêng biệt nào cho trẻ động kinh.

– Cho trẻ uống thuốc đúng và đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ.

– Nên báo cho thầy cô giáo, bạn bè biết tình trạng bệnh, để có thể có thái độ thông cảm, giúp đỡ trẻ đúng mức.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*