Y học - Bệnh lý

Đái tháo đường khi mang thai

Ngày: 22-11-2012

Đối với bà mẹ, bệnh đái tháo đường(ĐTĐ) gây tử vong 2/3 số phụ nữ có thai trong quá trình mang thai, nhưng ảnh hưởng lớn nhất của bệnh là đối với thai nhi. Bệnh ĐTĐ có thể có trước khi có thai gọi là ĐTĐ và thai nghén, ĐTĐ chỉ xuất hiện khi có thai gọi là ĐTĐ thai nghén. Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ nói sơ qua về khái niệm, các ảnh hưởng và yếu tố mguy cơ của ĐTĐ thai nghén.

Đái tháo đường khi mang thai - Y học - Bệnh lý - Bệnh tiểu đường | Đái tháo đường - Sức khỏe khi mang thai

1. Khái niệm ĐTĐ thai nghén

Đái tháo đường thai nghén là sự giảm dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào hoặc ĐTĐ được phát hiện lần đầu trong lúc mang thai (không loại trừ khả năng bệnh nhân đã có giảm dung nạp glucose hoặc ĐTĐ từ trước nhưng chưa được phát hiện).

Với ĐTĐ thai nghén, tỷ lệ phát hiện cao ở giai đoạn muộn của thai kỳ hơn là giai đoạn sớm, phần lớn các trường hợp sau sinh glucose có thể bình thường trở lại. Tuy nhiên những trường hợp có tiền sử ĐTĐ thai nghén này có nguy cơ phát triển thành ĐTĐ tuýp 2 trong tương lai.

2. Ảnh hưởng của ĐTĐ thai nghén

Bệnh ĐTĐ có thể gây các biến chứng nguy hiểm cho mẹ hay con trong bất kỳ thời điểm nào của quá trình mang thai.

Hậu quả đối với mẹ:

• Nhiễm độc thai nghén.
• Thai to do đó tăng nguy cơ phải mổ lấy thai, đẻ khó do thai to, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu.
• Khoảng 30 – 50% người mẹ sẽ bị ĐTĐ tuýp 2 trong khoảng 10 – 15 năm.
• Tăng nguy cơ ĐTĐ thai nghén đối với những lần có thai về sau.
Béo phì, tăng cân quá mức trong quá trình mang thai.
• Tăng đường huyết gây nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu, suy kiệt…

Trong quá trình mang thai:

• Nguy cơ sẩy thai tự nhiên là 15 – 20%.
• Thai chết trong tử cung (tuần thứ 36 trở đi).
• Dị dạng thai nhi (10 – 15%).
• Thai to (> 4,5kg).

Trong khi sinh:

• Đẻ khó, thai khó lọt.
• Chảy máu giai đoạn bong rau.

Trẻ sơ sinh:

• Thai to với sự phì đại các tạng phủ.
• Nguy cơ mắc bệnh màng trong, ứ trệ hệ tiểu tuần hoàn dẫn đến phù phổi cấp tính sau đẻ.
• Co giật sơ sinh do hạ canxi máu sơ sinh.

3. Một số dấu hiệu nguy cơ của phụ nữ mang thai bị ĐTĐ thai nghén

• Thai phụ có BMI trên 25 trước khi mang thai và tăng cân nhanh trong thời gian mang thai (phụ nữ bình thường tăng khoảng 12kg khi mang thai)
• Trong gia đình có người bị ĐTĐ
• Tiền sử bản thân từng bị ĐTĐ thai nghén (nguy cơ 50% mắc lại)
• Có tiền sử bất thường về dung nạp glucose.
• Tiền sử sinh con to >4,5kg, thai lưu, dị tật bẩm sinh, đa ối,…

ĐTĐ thai nghén thường không có các triệu chứng rõ, để có thể phát hiện được bệnh cần dựa vào test sàng lọc và nghiệm pháp dung nạp glucose thực hiện vào tuần 24 – 28 của thai kỳ đối với những thai phụ có nguy cơ.

Hiện nay, nhờ sự tiến bộ của y học, ĐTĐ thai nghén được phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả hơn, làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong chu sinh, dị dạng thai và thai chết lưu. Điều trị ĐTĐ thai nghén là sự kết hợp điều trị có hiệu quả giữa bác sĩ sản và bác sĩ chuyên khoa về ĐTĐ nhằm chăm sóc tốt nhất cho bà mẹ, cho thai nhi, chuẩn bị cho các xử trí sản khoa và hậu sản. Phụ nữ bị ĐTĐ trước khi mang thai nên gặp các bác sĩ chuyên khoa để có sự hướng dẫn, tư vấn về ĐTĐ và thai nghén.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*