Y học - Bệnh lý

Đái tháo đường ở trẻ em

Ngày: 23-11-2012

Đái tháo đường(ĐTĐ)  là căn bệnh nguy hiểm không chỉ đối với người lớn, giờ đây trẻ em bị ĐTĐ ngày càng tăng về số lượng, nặng về hậu quả và biến chứng. Bài viết này sẽ giúp cho các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về ĐTĐ trẻ em, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa.

Đái tháo đường ở trẻ em - Y học - Bệnh lý - Bệnh tiểu đường | Đái tháo đường - Sức khỏe trẻ em

1. Các thể ĐTĐ

ĐTĐ tuýp 1 liên quan đến tự miễn.

ĐTĐ tuýp 2 liên quan đến di truyền và môi trường trong đó sự ăn uống quá độ làm gia tăng đường huyết, kích thích tế bào tụy tăng tiết insuline gây mập phì do các tế bào của cơ thể đón nhận nhiều insuline và sử dụng nhiều đường để tạo năng lượng và dự trữ chất béo. Khi tế bào tụy mất đáp ứng với những kích thích gây nên do tăng đường huyết, tế bào mất khả năng sử dụng glucose.

Trước đây, ĐTĐ tuýp 1 là loại thường gặp ở trẻ em (chiếm 90% – 95% trẻ dưới 16 tuổi), nhưng trong những năm gần đây, tỷ lệ ĐTĐ tuýp 2 ở trẻ em tăng một cách đáng báo động có liên quan đến béo phì trẻ em.

2. Nguyên nhân

• Do yếu tố di truyền: trong gia đình có người mắc bệnh ĐTĐ, hoặc do người mẹ bị ĐTĐ thai nghén.

• Béo phì ở trẻ: là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh đái tháo đường ở trẻ và nguy hiểm hơn, đặc biệt là ĐTĐ tuýp 2.

• Thừa dinh dưỡng: kinh tế đất nước ngày càng phát triển, số con trong mỗi gia đình ít hơn tạo điều kiện để bố mẹ quan tâm chăm sóc con cái hơn. Đặc biệt là ở các gia đình khá giả (ở thành phố), trẻ được cho ăn nhiều chất béo, nhiều đường, các thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp,…dẫn đến dư năng lượng, kết hợp với ít hoạt động thể lực (suốt ngày ngồi trong nhà xem tivi, chơi đồ chơi, không tập thể dục) tạo điều kiện cho sự xuất hiện của béo phì và ĐTĐ ở trẻ em.

3. Dấu hiệu nhận biết sớm ĐTĐ ở trẻ em

Các triệu chứng chính của ĐTĐ trẻ em cơ bản cũng giống như người lớn, khi thấy trẻ có các dấu hiệu sau bố mẹ hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

• Khát nước nhiều, uống nước liên tục.

• Đi tiểu thường xuyên (hãy để ý xem trẻ có thường xuyên dậy để đi tiểu vào ban đêm không)

• Nhanh đói bụng dù trẻ được ăn nhiều

• Sụt cân

• Nhìn mờ

• Mệt mỏi, khó tập trung suy nghĩ, đau đầu.

• Nôn mửa, có thể đau bụng

4. Chế độ ăn

Chế độ ăn của trẻ bị ĐTĐ không nên kiểm soát chặt chẽ như người lớn, vì cơ thể trẻ đang phát triển cần ăn đủ chất, đảm bảo phát triển, tăng trưởng trong giai đoạn dậy thì và vị thành niên, nhưng phải luôn kiểm soát đường máu ở mức ổn định.

Các bác sĩ đã khuyến cáo, bố mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề dinh dưỡng và việc tập thể dục của trẻ. Một khi trẻ có nguy cơ béo phì (trẻ béo ú, di chuyển khó khăn, cân nặng lớn hơn nhiều so với các bạn cùng tuổi) thì nên đến bác sĩ để kiểm tra các triệu chứng của bệnh ĐTĐ, nếu không sẽ dẫn đến những biến chứng khó lường.

Khi trẻ bị ĐTĐ, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể tránh được các biến chứng và có một cuộc sống hoàn toàn bình thường như các bạn cùng trang lứa. Trên 50% trường hợp ĐTĐ tuýp 2 là có thể phòng ngừa được. Thay đổi lối sống, tập các thói quen lành mạnh, thường xuyên tập thể dục và có một chế độ dinh dưỡng hợp lí ngay từ bây giờ chính là cách để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và các thành viên trong gia đình khỏi bệnh tật.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*