Y học - Bệnh lý

Bệnh ho gà ở trẻ em

Ngày: 25-11-2012

Khi thời tiết thay đổi thất thường, vừa nắng nóng, vừa lạnh, mưa như những ngày vừa qua sẽ khiến cho sức đề kháng của cơ thể yếu đi, đặc biệt là trẻ em, tuổi nhỏ chưa biết cách bảo vệ bản thân và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, tạo điều kiện cho sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh. Một trong những bệnh nguy hiểm, gây nhiều biến chứng nặng cho trẻ em là ho gà.

Bệnh ho gà ở trẻ em - Y học - Bệnh lý - Bệnh ho gà - chăm sóc trẻ em - Sức khỏe trẻ em

1. Khái niệm

Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp do trực khuẩn ho gà gây ra (Bordetella pertussis).

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của bệnh là những cơn ho đặc biệt.

Ho gà là bệnh lây do tiếp xúc với chất nhầy của đường hô hấp trên (những giọt nhỏ chất nhầy trong không khí bắn từ mũi, họng người bệnh khi ho, hắt hơi), chủ yếu là từ những người tại gia đình (70%), tại trường học (25 – 50%). Dịch ho gà thường xảy ra theo chu kỳ 3 – 5 năm, thường gặp vào mùa đông – xuân, không khí ẩm ướt là điều kiện thuận lợi.

2. Triệu chứng

Triệu chứng của ho gà đặc trưng qua 4 giai đoạn

Giai đoạn ủ bệnh

Từ 7 đến 14 ngày, trẻ thường không có dấu hiệu gì để xác định là bị nhiễm vi khuẩn ho gà.

Giai đoạn xuất tiết

Kéo dài 1 đến 2 tuần, trẻ ho nhiều, ho chủ yếu về đêm. Có thể có sốt nhẹ, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng (các triệu chứng như trẻ bị viêm họng, bị cảm).

Giai đoạn kịch phát

Các cơn ho xuất hiện một cách tự nhiên hay do có kích thích nhỏ (chơi đùa, cười, khóc, sặc hoặc ngáp). Trẻ có các dấu hiệu chính sau:

• Ho rũ rượi, thành cơn, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ho nhiều làm trẻ thở yếu dần có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.

• Thở rít vào xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít.
Ở các trẻ sơ sinh và trẻ quá nhỏ, trẻ sẽ có những cơn ngưng thở ngắn thay cho hiện tượng rít khi hít vào.

• Khạc đàm
Sau kết thúc cơn ho thì trẻ khạc đàm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng (trong đàm có trực khuẩn ho gà)

• Sau mỗi cơn ho trẻ bơ phờ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh.

• Một số dấu hiệu khác có thể có như chảy máu cam, sốt nhẹ, bầm tím quanh mi mắt dưới.

Giai đoạn phục hồi

Kéo dài trong 1 đến 2 tuần, các cơn ho ngắn lại và số cơn cũng giảm, tình trạng trẻ tốt dần lên, ăn được và vui chơi bình thường. Ở một số trẻ xuất hiện những cơn ho phản xạ kéo dài, tồn tại tới vài tháng.

3. Điều trị

Sau khi được chẩn đoán xác định là bị ho gà, trẻ sẽ được điều trị, và tùy vào tình trạng nặng nhẹ của bệnh và tuổi, mà trẻ có thể được điều trị nội hay ngoại trú. Trẻ được điều trị càng sớm thì càng có ít nguy cơ bị biến chứng. Bà mẹ nên lưu ý những điều sau:

• Nên cho trẻ ăn lỏng hoặc bú nhiều lần trong ngày, từng ít một.

• Khi trẻ ho phải bồng trẻ ngồi dậy và nghiêng đầu về một bên.

• Nếu trẻ ngưng thở, tím tái phải móc đờm giải và tiến hành hô hấp nhân tạo miệng – miệng ngay, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu.

• Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bếp, bụi.

4. Phòng ngừa

Nếu không được phát hiện và điều trị, ho gà có thể gây nhiều biến chứng nặng như viêm phổi, xẹp phổi, co giật, liệt, loét hàm lưỡi, tụ máu dưới kết mạc, bầm tím mi mắt, và nguy hiểm nhất là chảy máu nội sọ.

Bệnh ho gà có thể phòng ngừa được nếu phát hiện và cách ly sớm cho những trẻ nghi ngờ bị ho gà trong giai đoạn xuất tiết; chủng ngừa vaccine cho trẻ để tạo miễn dịch chủ động.

Hiện nay, vaccine ho gà được tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi. Theo lịch tiêm chủng mở rộng mới nhất đang được áp dụng (QĐ 845/BYT ngày 17/03/2010) thì trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vaccine tổng hợp 5 trong 1 DPT-VGB-Hib để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm não mô cầu/viêm phổi vào các thời điểm: đủ 2 tháng, đủ 3 tháng và đủ 4 tháng tuổi.

Một trẻ được coi là tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch vaccine ho gà là phải tiêm đủ 3 liều vaccine phối hợp và 1 liều DTP nhắc lại lúc 18 tháng tuổi.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*