Thông tin y tế

Nỗ lực của y học trong điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV

Ngày: 06-12-2012

Hướng tới mục tiêu 3 không của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS: “Không còn người nhiễm mới HIV, Không còn người tử vong do AIDS và Không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Y học nói riêng và các tổ chức, ban ngành xã hội, đoàn thể ở các quốc gia cũng đang chung tay, nỗ lực để giảm thiểu đến mức thấp nhất tác hại của HIV/AIDS và những tác động của nó đến bản thân người nhiễm HIV, gia đình họ và toàn xã hội.

Nỗ lực của y học trong điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV - Thông tin y tế - Bệnh HIV (AIDS) - Kiến thức y học - Sức khỏe tình dục

Trong khía cạnh Y học, hoạt động chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam cũng đã phát triển theo quá trình tiến bộ, hiểu biết về bệnh HIV/AIDS của thế giới, đó là: xét nghiệm phát hiện HIV; điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng cơ hội, phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp liên quan đến HIV?AIDS; sử dụng thuốc thuốc kháng virus HIV (ARV) theo đúng quy trình; ứng dụng những thành quả thu thập qua những công trình nghiên cứu khoa học.

ARV (Anti-retroviral) là chữ viết tắt dùng để chỉ loại thuốc được chế ra nhằm làm giảm sự sinh sôi nảy nở của virus HIV trong cơ thể.

Người nhiễm HIV bắt buộc phải dùng thuốc kháng virus suốt đời để duy trì sự sống, mặc dù không hoàn toàn khỏi bệnh, nhưng ARV sẽ làm cho mức lây lan của virus trong tế bào cực kỳ thấp. Đối với phụ nữ nhiễm HIV mang thai sử dụng thuốc kháng virus còn làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sang cho con (có 30 – 35% trẻ sơ sinh bị lây nhiễm HIV từ người mẹ nhiễm HIV, nếu người mẹ được sử dụng ARV thì tỷ lệ này giảm xuống còn <8%).

Nguồn thuốc ARV được sử dụng ở Việt Nam hiện nay được cung cấp bởi Chương trình mục tiêu phòng chống HIV/AIDS quốc gia, Quỹ toàn cầu, Quỹ Clinton và PEPFAR (Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ).

Vào năm 2007, Timothy Ray Brown, 46 tuổi, người Mỹ gốc Đức chính thức trở thành người đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi căn bệnh thế kỷ AIDS qua quá trình điều trị bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc. Ông đã được cấy ghép tủy xương để điều trị bệnh rối loạn máu (ung thư bạch cầu cấp tính), tuy nhiên, khi tiến hành cấy ghép, các bác sĩ phát hiện ra người này bị nhiễm HIV. Nhưng thật bất ngờ là việc cấy ghép tủy xương đã làm giảm lượng virus HIV trong cơ thể anh ta. Và theo nghiên cứu của các nhà khoa học Đức thì người hiến tủy xương cho bệnh nhân trên là một người hoàn toàn khỏe mạnh và có mang trong  mình một gen đột biến quý hiếm có khả năng kháng HIV tự nhiên. Điều này mở ra hướng mới cho việc phát triển một phương pháp chữa trị lâu dài cho sự lây nhiễm HIV thông qua công nghệ di truyền tế bào gốc.

Ngày nay với sự tiến bộ không ngừng của y học, các nhà khoa học trên thế giới đã và đang thử nghiệm các loại vaccine phòng ngừa HIV, tức là vô hiệu hóa virus HIV trước khi nó có một cơ hội để thiết lập nên một bệnh nhiễm trùng lâu dài đối với cơ thể.

Năm 2009, từ kết quả thí nghiệm một loại vaccine ở hơn 16.000 người tại Thái Lan, các nhà nghiên cứu tìm ra được một tín hiệu khả quan, loại vaccine này có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên đến 31,2%. Hiện các nhà khoa học đang chuẩn bị tiến hành một cuộc thử nghiệm tiếp theo, chế tạo mẫu vaccine khác mạnh hơn dựa trên kết quả có được từ hỗn hợp vaccine nói trên, với sự tham gia của đàn ông và phụ nữ ở Nam Phi và những người đồng tính ở Thái Lan.

Những tiến bộ của nhân loại trong phát triển vaccine HIV, bao gồm cả phát triển công nghệ sản xuất và cung cấp vaccine, đã mở ra một tương lai lạc quan cho con người về phòng chống đại dịch HIV/AIDS an toàn và hiệu quả. Mặc dù những khám phá trên không đồng nghĩa với việc các nhà khoa học đã tìm ra cách chữa trị hữu hiệu người nhiễm virus HIV nhưng chúng chắc chắn có thể mang tới hy vọng cho hơn 33 triệu người đang sống chung với căn bệnh thế kỷ này trên khắp thế giới.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*