Y học - Bệnh lý

Lồng ruột và cách xử trí

Ngày: 10-12-2012

Đối với trẻ nhỏ, bất cứ bệnh tật gì xảy ra đều có thể nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ nhất là đối với trẻ còn bú mẹ. Lồng ruột là một trong số các bệnh đó. Bệnh không chỉ gây đau đớn, khó khăn cho tiêu hóa của trẻ mà còn dẫn đến nguyên nhân hoại tử ruột. Lồng ruột thường gặp ở trẻ em 4-9 tháng tuổi, nhiều nhất là 5-6 tháng do kích thước của ruột non và ruột già quá chênh lệch nhau.

Lồng ruột và cách xử trí - Y học - Bệnh lý - Bệnh lồng ruột - Kiến thức y học - Sức khỏe trẻ em

1. Lồng ruột là gì?

Lồng ruột là một trạng thái bệnh lý xảy ra khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận, gây nên sự thắt nghẹt các mạch máu nuôi ruột khiến đoạn ruột bên dưới bị tổn thương và chảy máu. Nếu không được điều trị kịp thời khối lồng sẽ bị hoại tử đưa đến thủng ruột, sau đó dịch và phân trong lòng ruột xì ra ổ bụng gây nên viêm màng bụng. Đây là một tình trạng nhiễm trùng nặng và có thể dẫn đến tử vong.

2. Nguyên nhân gây lồng ruột

Hiện nay, phần lớn các trường hợp lồng ruột chưa xác định được nguyên nhân (gần 90%). Ngoài ra nhiều nghiên cứu cho rằng, lồng ruột có thể do nhiều nguyên nhân khác như:

  • Do kích thước ruột non và ruột già của trẻ quá chênh lệch nhau.
  • Từ 4-9 tháng tuổi là thời kỳ trẻ chuyển sang ăn dặm nên nhu động ruột co bóp bất thường.
  • Trong một số ít trường hợp, lồng ruột là do các u bướu, polype trong lòng ruột.
  • Trẻ bị nhiễm virus hoặc vi trùng, sau đợt dịch cúm hoặc tiêu chảy làm nhu động ruột tăng dẫn đến tăng nguy cơ bị lồng ruột.

3. Làm thế nào để nhận biết trẻ bị lồng ruột?

Bệnh thường xảy ra ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái và thường gặp ở những trẻ bụ bẫm. Trẻ đang bú bình thường đột nhiên khóc thét lên, đau bụng, bỏ bú, da tím tái, có thể kèm theo nôn nhiều lần báo hiệu khúc ruột bắt đầu lồng vào nhau, lúc này bạn nên nghĩ ngay đến bệnh lồng ruột. Khoảng 6-12 tiếng sau, trẻ đi ngoài phân có nhầy lẫn máu đỏ tươi. Đối với những trẻ đang bị sốt, ho hay nhiễm virus, việc trẻ đột ngột quấy khóc từng cơn là một dấu hiệu nghi ngờ lồng ruột và có nguy cơ tái phát, dẫn đến hoại tử ruột.

Vì vậy, khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường kể trên phải đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa khám ngay.

4. Xử trí và dự phòng bệnh lồng ruột cho trẻ như thế nào?

Khi nghi ngờ trẻ bị lồng ruột và đưa đến cơ sở y tế, bác sĩ sẽ khám và cho làm các xét nghiệm, nhất là siêu âm, chụp X-quang để chẩn đoán chính xác và tiến hành điều trị cho trẻ kịp thời.

Đối với trẻ được đưa đến sớm trước 6 tiếng, cần tháo khối ruột lồng bằng cách bơm hơi qua hậu môn hoặc thụt thuốc cản quang dưới hướng dẫn của máy chiếu X-quang. Dưới áp lực của hơi hoặc thuốc, khối ruột lồng sẽ được tháo dần. Có thể điều trị lồng ruột bằng nhiều phương pháp khác nhau như tháo lồng bằng thụt Baryt đại tràng, tháo lồng bằng thụt nước muối sinh lý vào đại tràng, phẫu thuật tháo lồng bằng tay, phẫu thuật cắt nối ruột, điều trị bằng phẫu thuật nội soi…

Đối với trẻ được đưa đến quá muộn phải phẫu thuật ngay mới tháo được khối ruột lồng. Tuy nhiên quá trình điều trị này rất lâu dài và phức tạp, trẻ có thể bị nhiễm độc, nhiễm trùng và dẫn đến tử vong do suy kiệt.

Để phòng bệnh lồng ruột cho trẻ, các bậc cha mẹ nên:

  • Giữ vệ sinh ăn uống cho trẻ, tránh để trẻ bị tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa.
  • Khi trẻ mới ăn dặm hay khi chuyển đổi sữa theo độ tuổi của trẻ, bạn nên cho trẻ ăn lỏng, ăn theo chế độ tăng dần từ lượng đến độ sánh đặc.
  • Không cho trẻ ăn thức ăn quá nhiều đạm dẫn đến khó tiêu.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*