Thông tin y tế

Những nguy cơ của chứng loãng xương, cách điều trị loãng xương

Ngày: 12-12-2012

Loãng xương thường tiến triển trong thời gian dài mà không có triệu chứng gì biểu hiện ra bên ngoài và gây ra nhiều nguy cơ đối với người mắc bệnh. Việc hiểu rõ những nguy cơ này và điều trị loãng xương kịp thời sẽ giúp giảm thiểu tối đa những hậu quả cho bệnh nhân.

Những nguy cơ của chứng loãng xương, cách điều trị loãng xương - Thông tin y tế - Bệnh loãng xương - Kiến thức y học

1. Nguy cơ của loãng xương

Theo Tổ chức Y tế thế giới, loãng xương là nguyên nhân đứng hàng thứ nhì gây nên bệnh tật, chỉ sau tim mạch. Loãng xương là bệnh thường gặp nhưng diễn tiến thầm lặng cho đến khi gây ra hậu quả:

  • Đau kéo dài do chèn ép thần kinh
  • Gù vẹo cột sống, biến dạng lồng ngực…
  • Gãy xương cổ tay, gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi
  • Giảm khả năng vận động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người có tuổi.

 

Nguy hiểm của loãng xương chính là gãy xương: có 1/3 nữ từ 50 tuổi trở lên bị gãy xương do loãng xương còn ở nam là 1/5. Gãy xương thường xảy ra gãy cổ xương đùi, cột sống và cổ tay. Gãy cổ xương đùi làm 10%-20% chết sau một năm còn gãy xương sống làm 15% chết sau 5 năm. Gãy xương do loãng xương nguy hiểm như nhồi máu cơ tim do bệnh mạch vành hoặc đột quỵ do tăng huyết áp.

Tuổi thọ trung bình hiện nay gia tăng kéo theo tỷ lệ người cao tuổi với các nguy cơ bị gãy xương do loãng xương cũng tăng theo. Đặc biệt, gãy cổ xương đùi sẽ làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh khác, quan trọng hơn là làm tăng đột biến tỷ lệ tử vong sau khi gãy xương. Gãy xương không những gây ra gánh nặng cho bản thân và gia đình bệnh nhân, mà còn là gánh nặng cho y tế công cộng, ảnh hưởng đến sinh hoạt xã hội, tài chính của quốc gia.

2. Điều trị loãng xương

Điều trị có thể làm ngừng tiến triển của loãng xương nhưng không hồi phục được những tổn hại trước đó. Do đó việc điều trị sớm là rất cần thiết. Phải mất một thời gian dài điều trị mới ngừa được gãy xương trong tương lai. Người bệnh có thể không cảm thấy hay nhìn thấy hiệu quả trước mắt nhưng hãy cố gắng tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ để đạt kết quả tốt nhất.

Quá trình điều trị loãng xương bao gồm các phần sau:

  • Khống chế đau do loãng xương gây ra.
  • Ngăn chặn hoặc làm giảm thiểu sự mất xương.
  • Dùng các thuốc có tác dụng làm cho xương chắc khỏe hơn, giúp phòng ngừa gãy xương.
  • Phòng tránh té ngã, kể cả các chấn thương rất nhẹ có thể dẫn tới gãy xương.
  • Khi bệnh nhân bị đau do loãng xương, các thuốc giảm đau thông thường hoặc các thuốc kháng viêm đều có tác dụng giảm đau tức thời nhưng vấn đề cơ bản vẫn phải là ngăn chặn quá trình Hủy xương và tăng cường quá trình Tạo xương.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*