Thông tin y tế

Xử trí vết thương và xét nghiệm phát hiện HIV

Ngày: 20-12-2012

Bạn sẽ làm gì khi vô tình bị tổn thương hay vừa bị tấn công bằng bơm kim tiêm, vật sắc nhọn,…và nghi ngờ mình có thể nhiễm HIV/AIDS? Làm thế nào để xác định được mình có mang trong người virus HIV hay không? Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về cách xử lí các tình huống trên.

Xử trí vết thương và xét nghiệm phát hiện HIV - Thông tin y tế - Bệnh HIV (AIDS) - Kiến thức y học

1. Xử trí vết thương

Khi bị tổn thương do vô tình giẫm phải hay bị tấn công bởi bơm kim tiêm, vật sắc nhọn, hay có vết thương tiếp xúc với máu của những đối tượng nghi ngờ là nghiện chích ma túy, người nhiễm HIV, dù vết thương có chảy máu hay không thì ta thường có tâm lý hoảng loạn, lo sợ và phản ứng lúc đầu là nặn, bóp máu từ vết đâm, vết thương đó nhằm loại bỏ lượng máu “độc” ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, đây là cách xử trí sai, việc nặn hay bóp vùng da bị tổn thương sẽ gây kích thích các mạch máu xung quanh vùng da đó hoạt động, làm đẩy nhanh quá trình xâm nhập của virus HIV nếu có.

Lúc đó, cách xử trí đúng là nên bình tĩnh, sau đó rửa sạch vết thương bằng cách để máu tự động chảy dưới vòi nước khoảng 5 phút. Nếu có thể nên dùng xà phòng, dung dịch sát khuẩn để rửa vết thương, rồi đến các cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm về mức độ phơi nhiễm HIV.

Ở cơ sở y tế, bạn sẽ được làm các xét nghiệm để xác định có phơi nhiễm với HIV hay không, hay là đã nhiễm HIV từ trước đó. Nếu có phơi nhiễm với HIV, bạn sẽ được sử dụng thuốc kháng virus HIV. Thuốc kháng virus có công hiệu hoàn toàn trong 24 giờ đầu sau khi bị phơi nhiễm, tỉ lệ này sẽ giảm dần theo thời gian, và sau 72 giờ kể từ lúc bị phơi nhiễm HIV, thuốc hầu như không có hiệu quả. Vì vậy người có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để làm thủ tục thăm khám, xét nghiệm, tầm soát HIV trong thời điểm thuốc kháng virút HIV còn có công hiệu (trong vòng 72 giờ).

Nếu được xác định là không phơi nhiễm với HIV thì vẫn có thể được chỉ định uống thuốc kháng virus HIV, sau đó phải tái khám và làm xét nghiệm để xác định có virus HIV trong cơ thể hay không trong 3 – 6 tháng sau.

Đối với những người có kết quả xét nghiệm là đã nhiễm HIV từ trước, bệnh nhân lập tức được tư vấn và chuyển sang điều trị HIV/AIDS.

2. Những điều bạn nên biết về xét nghiệm HIV

HIV/AIDS là căn bệnh thế kỉ đã cướp đi cuộc sống của hàng triệu con người. Nó không chỉ lây ở những người có hành vi nguy cơ cao mà còn ở cả cán bộ công chức, người lao động, học sinh, sinh viên,… tất cả mọi người đều có thể bị lây nhiễm. Trong những năm qua, để hạn chế sự lây nhiễm của bệnh, một trong những chương trình dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS mang lại hiệu quả cao là chương trình tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS. Trong đó người tham gia xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS có nhiều quyền lợi như:

  • Bảo mật tuyệt đối.
  • Được xét nghiệm và tư vấn miễn phí.

Xét nghiệm HIV/AIDS là một trong những liệu pháp cực kỳ quí giá đối với người dương tính HIV, giúp phát hiện bệnh để có thể điều trị và hạn chế sự lây lan cho cộng đồng.

• Ngoài ra thì người xét nghiệm HIV còn được tư vấn giúp vượt qua cơn sốc, định hình được tư tưởng, hoạch định cuộc sống mới, các biện pháp an toàn, biện pháp phòng chống, cung cấp các kiến thức liên quan, chăm sóc điều trị HIV/AIDS.

• Trao đổi về cách tiết lộ kết quả xét nghiệm với người thân, gia đình.

• Nếu may mắn nhận được kết quả âm tính, họ sẽ được tư vấn để không lặp lại các hành vi nguy cơ và cách bảo vệ bản thân trước HIV/AIDS.
Việc tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS là cần thiết cho tất cả mọi người, vì không ai có thể chắc chắn rằng bản thân hoặc gia đình mình không bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Hãy trang bị cho bản thân đủ kiến thức và lối sống lành mạnh để bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi đại dịch HIV/AIDS.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*