Y học - Bệnh lý

Nguyên nhân, tác hại, cách phòng tránh nhiệt miệng

Ngày: 11-01-2013

Thường ngày, thỉnh thoảng chúng ta có thể mắc một số bệnh tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng nó làm chúng ta cảm thấy khó chịu, đau đớn trong sinh hoạt cá nhân và đứng đầu là bệnh nhiệt miệng. Bệnh ảnh hưởng thường xuyên đến khoảng 20% dân số. Nhiệt miệng thường xuất hiện khi thay đổi thời tiết, do stress, do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc các ổ viêm quanh răng, do ăn thức ăn nóng hoặc do cơ địa của từng người. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, tác hại và cách phòng tránh bệnh nhiệt miệng này.

Nguyên nhân, tác hại, cách phòng tránh nhiệt miệng - Y học - Bệnh lý - Bệnh nhiệt miệng - Kiến thức y học

1. Nhiệt miệng là gì?

Nhiệt miệng là một bệnh lành tính ở miệng đặc trưng bởi các vết loét to nhỏ không đều, hình tròn hoặc bầu dục ở trong khoang miệng hoặc những vùng xung quanh (môi, khóe miệng…)

2. Nguyên nhân của nhiệt miệng là gì?

Hiện nay có khá nhiều quan điểm về nguyên nhân gây bệnh nhiệt miệng, có thể là:

– Theo dân gian, những người thường ăn thức ăn và các loại trái cây có tính “nóng” như xoài, mít, nhãn… là những người hay bị nhiệt miệng.

– Theo y học, nhiệt miệng do nhiễm một số loại vi khuẩn, virus gây bệnh như Herpes simplex virus (HSV), Helicobacter pylori (HP), Human herpesvirus (HHV)… hoặc do mất cân bằng sinh học của tạp khuẩn trong khoang miệng.

– Do xuất hiện các ổ viêm quanh răng hoặc sâu răng, do chức năng khử độc của gan kém dẫn đến tích tụ các chất độc ở niêm mạc miệng, lâu dần dẫn đến hoại tử, từ đó vỡ ra hình thành nên vết loét quanh miệng hoặc trong miệng.

– Người suy giảm miễn dịch dễ bị nhiệt miệng.

– Ngoài ra, theo các nghiên cứu mới nhất cho thấy: áp lực công việc, stress quá mức, rối loạn nội tiết ở phụ nữ mang thai hoặc thời kỳ mãn kinh, thiếu hụt sắt hoặc acid folic trong chế độ ăn uống… cũng có thể gây nên nhiệt miệng.

3. Nhiệt miệng để lại những tác hại gì?

Bệnh có thể xuất hiện và tự khỏi sau một vài ngày mà không để lại sẹo, không gây sốt hoặc sưng hạch ở vùng xung quanh. Tuy nhiên, nhiệt miệng làm cho người bệnh rất đau, khó chịu trong ăn uống và vệ sinh răng miệng. Nếu nuốt phải các vi khuẩn có trong ổ loét có thể gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa và các bệnh đường ruột ở trẻ nhỏ.

Ngoài ra, do khó khăn trong ăn uống nên làm cho cơ thể người bệnh gầy sút, suy nhược do không hấp thu đủ chất dinh dưỡng cần thiết, mất ngủ nhiều do đau và hay cáu gắt, nổi nóng vô cớ với người xung quanh.

4. Có thể phòng tránh nhiệt miệng bằng cách nào?

– Có chế độ ăn uống phù hợp, tránh những thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ và bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều sắt, acid folic và vitamin như thịt, cá, rau củ quả và trái cây… Uống đủ nước mỗi ngày (trung bình 2l/người/ngày).

– Tập thể dục và nghỉ ngơi đều đặn nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

– Chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn, nên sử dụng loại kem đánh răng phù hợp và có chiết xuất từ thiên nhiên như tinh chất trà xanh, bạc hà…

– Tránh căng thẳng, stress, giữ tinh thần luôn thoải mái và lành mạnh.

– Nếu bệnh diễn biến nặng và tái phát nhiều lần, bạn cần đến bác sĩ nha khoa để được lựa chọn loại thuốc điều trị thích hợp và xử trí triệt để ổ loét.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*