Chăm sóc sức khỏe

Việc nên làm khi bị nhiệt miệng

Ngày: 13-01-2013

Mỗi khi chuyển mùa, đặc biệt từ mùa lạnh sang nóng thì bệnh nhiệt miệng lại phổ biến và hành hạ không ít người vì gây khó khăn trong sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày. Bệnh gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu, ăn mất ngon, có khi dẫn đến rối loạn tiêu hóa và gầy sút do các ổ hoại tử dần trở thành vết loét trong khoang miệng, làm người bệnh kém ăn và không hấp thu đủ chất dinh dưỡng. Nếu người thân bị nhiệt miệng, bạn có thể làm gì để giúp họ giảm đau và mau lành? Hãy cùng chúng tôi tham khảo một số mẹo nhỏ giúp bạn giải đáp thắc mắc này nhé!

Việc nên làm khi bị nhiệt miệng - Chăm sóc sức khỏe - Bệnh nhiệt miệng - Dinh dưỡng và sức khỏe - Y học thường thức

1. Chế độ dinh dưỡng khi bị nhiệt miệng

Để giảm bớt nhiệt miệng gây đau đớn, cần xác định đúng căn nguyên gây bệnh để điều trị tận gốc. Tuy nhiên, chế độ ăn uống cũng giúp bạn hạn chế được tình trạng này. Người bị nhiệt miệng cần tăng cường ăn nhiều rau quả, trái cây để bổ sung các yếu tố vi lượng, các loại vitamin C, PP, B2… Mướp đắng, dưa chuột, bí đao, rau má, mồng tơi, chè đậu đen, bột sắn dây… là những thực phẩm có tính mát nên tác dụng chữa bệnh rất tốt.

Nên hạn chế ăn các đồ cay, nóng như tiêu, gừng, tỏi, ớt, các thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ… vì có thể làm cho ổ loét nặng thêm.

Uống nước chè tươi hàng ngày có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, đồng thời có tác dụng bảo vệ răng miệng rất hiệu quả do bản chất chống oxy hóa. Có thể dùng ống hút khi uống nước để giảm đau.

2. Chế độ sinh hoạt

– Đảm bảo vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi ăn, sáng sớm khi thức dậy và mỗi tối trước khi đi ngủ. Bạn nên cẩn thận khi đánh răng, không để bàn chải cọ xát vào vết loét nhiều lần làm chúng dễ lan rộng.

– Súc miệng bằng nước muối hoặc thảo mộc tự nhiên (như nước lô hội, dầu trà…) đều đặn mỗi ngày 3 lần sau khi đánh răng giúp nhiệt miệng nhanh khỏi và không gây đau rát.

– Giữ tinh thần luôn thoải mái, yêu đời, tránh stress, căng thẳng vì stress chính là kẻ thù nguy hiểm của bệnh nhiệt miệng, làm cho bệnh dai dẳng và lâu lành.

3. Một vài mẹo nhỏ cho người bị nhiệt miệng

– Sữa chua: Sữa chua được biết đến với các vi sinh vật có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa, ngoài ra chúng giúp cân bằng các vi khuẩn trong miệng. Ăn sữa chua giúp các vi sinh vật tập trung đến ổ loét, kiểm soát các vết loét cũ, khống chế không để hình thành vết loét mới và nhanh liền hơn.

– Rau ngót, rau diếp cá hoặc cỏ mực: chỉ hái lá, rửa thật sạch, giã hoặc ép lấy nước cốt dùng uống ngày 2-3 lần, hòa thêm ít mật ong cho dễ uống. Có thể lấy nước rau ngót hoặc cỏ mực bôi trực tiếp vào vết loét giúp giảm đau, nhanh lành.

– Khế chua: rửa sạch 2-3 quả, khế càng chua càng tốt, giã nát, cho vào nồi và đổ nước sôi ngập rồi đun sôi thêm một lúc, sau đó để nguội và ngậm hàng ngày. Khế chua có tác dụng tân sinh dịch để điều trị vết loét.

– Tỏi hoặc đu đủ: thái lát mỏng và đắp trực tiếp lên chỗ loét, do có chứa chất kháng sinh nên thúc đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương.

– Mật ong hoặc dầu đinh hương: do có tính sát khuẩn mạnh nên có thể dùng để chấm và bôi trực tiếp lên vết thương giúp giảm đau và nhanh lành.

– Củ cải: gọt vỏ, rửa sạch, giã rồi vắt lấy nước, hòa thêm một chút nước sôi dùng súc miệng ngày 3 lần cũng có tác dụng chữa nhiệt miệng khá hiệu quả.

4. Điều trị bằng thuốc cho những người bị nhiệt miệng

Đối với những người bị nhiệt nặng, dai dẳng cần đến gặp bác sĩ để được chỉ định điều trị bằng thuốc càng sớm càng tốt. Các loại kháng sinh phối hợp dạng bột được sử dụng rộng rãi hiện nay là: Sulfamethoxazon, Trimethoprim, Serathiopeptit và hoạt chất tạo màng ngăn… Cần kiên trì bôi thuốc thường xuyên cho đến khi lành hẳn và tiếp tục điều trị khi bệnh tái phát.

Tuy nhiên, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ xem loại thuốc đó có phù hợp với mình không trước khi sử dụng để hạn chế nguy cơ dị ứng thuốc.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*