Chăm sóc sức khỏe

Phòng ngừa, hỗ trợ điều trị viêm đại tràng

Ngày: 25-01-2013

Trong môi trường nhiều độc hại, cùng với những áp lực công việc, cuộc sống gấp gáp, căng thẳng, viêm đại tràng đang trở thành căn bệnh ngày càng phổ biến. Việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh hợp lý sẽ giúp chúng ta tránh được lo lắng, mất nhiều tiền bạc, thời gian cho căn bệnh này.

Phòng ngừa, hỗ trợ điều trị viêm đại tràng - Chăm sóc sức khỏe - Bệnh viêm đại tràng - Dinh dưỡng và sức khỏe - Kiến thức y học

Chế độ ăn tăng cường nhiều chất xơ như rau xanh, củ quả, trái cây giúp phòng ngừa viêm đại tràng

1. Phòng ngừa

Muốn và phòng bệnh tốt, cần có chế độ vệ sinh ăn uống hằng ngày và sinh hoạt hợp lý:

– Chế độ ăn tăng cường nhiều chất xơ như rau xanh, củ quả, trái cây, đặc biệt những loại giàu kali như chuối, đu đủ…

– Ăn đa dạng rau, quả, trứng, sữa, cá, thịt; ăn chín uống sôi.

– Hạn chế uống rượu bia, ăn các đồ cay nóng; nên ăn uống đúng giờ, tránh bỏ bữa; không nên ăn các thức ăn lâu ngày, thức ăn ôi thiu.

– Rửa tay trước khi ăn, không nên ăn tiết canh, rau sống chưa rửa kỹ và khử trùng.

– Nên tẩy giun sán 6 tháng 1 lần.

– Nên hỗ trợ thường xuyên cho hệ tiêu hóa bằng men tiêu hóa sống, nó giúp hệ tiêu hóa được khỏe mạnh.

– Năng vận động, thể dục thể thao, uống nhiều nước, có thể lấy lòng bàn tay sờ nhẹ quanh vùng thượng vị – rốn theo chiều kim đồng hồ ngày vài lần để kích thích nhu động ruột.

Tránh stress, lo lắng thái quá gây trầm cảm làm giảm nhu đông ruột; hãy tạo cho tinh thần thoải mái, vui vẻ, lành mạnh.
Đồng thời, khi có các triệu chứng nghi ngờ bị viêm đại tràng, cần đến bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị đúng thuốc, đúng bệnh và triệt để.

2. Hỗ trợ điều trị

Chế độ ăn uống và sinh hoạt là một yếu tố quan trọng trong điều trị bệnh viêm đại tràng. Bệnh nhân cần phải sinh hoạt điều độ, chế độ ăn nhiều chất xơ đồng thời phải kiêng chất béo, chất kích thích, rượu bia và một số loại thuốc.

Người có triệu chứng viêm đại tràng nên ăn uống đúng giờ, không nên bỏ bữa, ăn các món ăn lạ. Cần tăng cường ăn các chất dễ tiêu giàu năng lượng, đồng thời phải kiêng thực phẩm chưa nhiều chất béo, chất kích thích.

Ngoài ra cần lưu ý trong quá trình điều trị:

– Những ngày không đau: để giữ gìn sức khỏe, tạo sức đề kháng, tăng sức chịu đựng trong lúc bị cơn đau hành hạ, hãy tranh thủ ăn uống tẩm bổ những khi bệnh chưa dở “chứng”.

– Khi bị táo bón: giảm chất béo, tăng chất xơ (đặc biệt là dưới dạng hòa tan như pectin, inuline, oligofructose…). Ăn làm nhiều bữa nhỏ, chừng hơn 2 tiếng lại ăn một bữa.

– Khi bị tiêu chảy: tránh hẳn chất xơ dạng không tan như cellulose để thành ruột khỏi bị “cọ xát”. Không ăn rau sống, trái cây khô, trái cây đóng hộp, nếu ăn trái cây tươi thì phải gọt bỏ vỏ (kể cả nho). Có thể ăn trái cây xay nhừ như chuối, táo.

– Hạn chế ngồi lâu và nhịn đại tiện: bệnh nhân nên rèn luyện thói quen đại tiện theo giờ nhất định trong ngày.

Bệnh viêm đại tràng có thể nặng thêm nếu bệnh nhân có những vấn đề về tâm lý như căng thẳng, trầm cảm, lo âu… Vì vậy, người bệnh cần thực hiện các phương pháp chống stress như tập thể dục, tập dưỡng sinh (thở bằng bụng, ngồi thiền, tập yoga…); người bệnh và người thân trong gia đình cần tạo cho người bệnh một lối sống lạc quan.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*