Chăm sóc sức khỏe

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị bệnh tim bẩm sinh

Ngày: 28-01-2013

Những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có thể sinh hoạt, học tập bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng chúng vẫn cần được quan tâm và chăm sóc đúng cách để có được sức khỏe tốt trước, trong và sau quá trình điều trị bệnh tim bẩm sinh. Sau đây là một số điều mà những cha mẹ có con bị bệnh tim bẩm sinh nên lưu ý.

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị bệnh tim bẩm sinh - Chăm sóc sức khỏe - Bệnh tim bẩm sinh - chăm sóc trẻ em - Sức khỏe trẻ em

1. Dinh dưỡng

Tất cả trẻ em nói chung và trẻ bị bệnh tim bẩm sinh (BTBS) nên được cho ăn uống điều độ, đủ chất dinh dưỡng với phong phú các loại thực phẩm, đặc biệt là rau xanh và trái cây.

Trẻ mắc bệnh tim thường hay mệt, khó ăn và dễ nôn. Nên cho trẻ ăn từ từ, chia thành nhiều bữa nhỏ. Bố mẹ nên theo dõi sát sự phát triển của trẻ qua cân nặng để có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

2. Thuốc

Trẻ bị BTBS sẽ được bác sĩ chỉ định các loại thuốc khác nhau tùy theo loại bệnh tim và mức độ nặng nhẹ của bệnh.

Cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc hay tăng giảm liều thuốc vì sẽ khiến bệnh tim trở nên nặng hơn, gây nguy hiểm cho trẻ.

Trong khi dùng thuốc nếu trẻ xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào bất thường, gia đình nên báo ngay cho bác sĩ.

3. Chăm sóc chu đáo, giữ gìn sức khỏe cho trẻ

Trẻ cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để tránh bị nhiễm trùng vùng răng miệng, dẫn tới nhiễm trùng máu và nội mạc tim. Bố mẹ nên hướng dẫn trẻ đánh răng, súc miệng sau mỗi bữa ăn và đưa trẻ đi khám răng khoa định kỳ (6 tháng/lần). Khi trẻ bị sâu răng hay nhổ răng, cần báo với bác sĩ nha khoa về tình trạng BTBS của trẻ để bác sĩ có hướng xử lý.

Trẻ bị BTBS rất dễ bị ốm, đặc biệt là khi thay đổi thời tiết. Nên giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, cho trẻ uống đủ nước khi trời nóng, tránh ở những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tránh cho trẻ tiếp xúc với bụi, khói thuốc lá, những người bị bệnh có thể lây cho trẻ.

Không hạn chế hay cấm đoán trẻ bị BTBS vui chơi hay tham gia hoạt động thể dục thể thao. Vận động ở mức vừa phải giúp tăng khả năng hoạt động của tim, tăng cường tâm lý, tinh thần, giúp phát triển thể chất trẻ. Tuy nhiên, không cho trẻ vận động mạnh hay quá nhiều, tránh để trẻ gắng sức.

4. Khám sức khỏe định kỳ

Trẻ bị BTBS nên được khám định kỳ thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Dù trẻ không có dấu hiệu gì bất thường cũng nên khám theo lịch hẹn để bác sĩ đánh giá diễn tiến của bệnh, phát hiện các biến chứng cũng như điều chỉnh lại liều lượng thuốc cho phù hợp với trẻ.

Với những trẻ đã được phẫu thuật điều trị BTBS cũng nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, vì một số BTBS vẫn cần phải theo dõi sau phẫu thuật và khi lớn lên, để hạn chế một số vấn đề khác về sức khỏe có thể xảy ra.

Bố mẹ nên theo dõi và đưa trẻ khám lại ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác thường như: sốt, ho nhiều, nôn mửa, ỉa chảy kéo dài, quấy khóc, khó thở, rên rỉ, co giật hay hôn mê.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*