Y học - Bệnh lý

Những dạng khác nhau của bệnh tim bẩm sinh và hướng điều trị

Ngày: 28-01-2013

Theo thống kê của Hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TP.HCM, bình quân cứ 1000 trẻ sinh ra còn sống thì có khoảng 8-10 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Đối với các tật tim bẩm sinh nặng, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy tim, tăng áp động mạch phổi, tím tái nặng do thiếu oxy, trẻ chậm tăng trưởng, chậm phát triển tâm thần, vận động và có thể gây tử vong.Bài viết sau sẽ đề cập đến bệnh tim bẩm sinh, các dạng thường gặp và hướng điều trị.

Những dạng khác nhau của bệnh tim bẩm sinh và hướng điều trị - Y học - Bệnh lý - Bệnh tim bẩm sinh - Kiến thức y học - Sức khỏe trẻ em

1. Bệnh tim bẩm sinh là gì?

Bệnh tim bẩm sinh (BTBS) là các dị tật của tim và mạch máu lớn xảy ra trong 2 tháng đầu của thai kỳ, vào lúc hình thành các buồng tim, van tim, các nút thần kinh tự động tạo nhịp tim, hệ thần kinh dẫn truyền của tim và các mạch máu lớn.

Tần xuất mắc khoảng từ 0,7-0,8% , tỷ lệ tử vong khoảng 5 – 10% trong tổng số các trường hợp chung của BTBS.

2. Các dạng thường gặp của BTBS

Thông liên thất

Thường là một phần dị tật gặp trong nhiều hội chứng đặc biệt do những bất thường về nhiễm sắc thể và ở các bà mẹ nghiện rượu trong lúc mang thai.

Thông liên thất chiếm khoảng 30% trường hợp của BTBS. Bệnh này có thể chẩn đoán trước qua siêu âm tim thai, và có thể can thiệp ở bất kỳ độ tuổi nào của trẻ.

Thông liên nhĩ

Thông liên nhĩ chiếm khoảng 10% và thường gặp ở trẻ gái nhiều gấp 2 lần trẻ trai. Lỗ thông ở tâm nhĩ này có thể đóng lại trước khi trẻ được 2 tuổi.

Đối với thông liên nhĩ lỗ nhỏ có thể không điều trị mà chỉ cần theo dõi bằng siêu âm hàng năm. Thông liên nhĩ lỗ vừa thì nên can thiệp ngoại khoa để đóng lỗ thông, trẻ trai có thể mổ lúc 5 tuổi, trẻ gái tốt nhất sau tuổi thiếu niên.

Còn ống động mạch

Trường hợp này không thể chẩn đoán được trước sinh và chiếm khoảng 10% số ca BTBS.

Còn ống động mạch cần can thiệp bằng các ống thông tim hoặc mổ tim cắt đóng ống, khả năng phẫu thuật thành công cao.

Tứ chứng Fallot

Tứ chứng Fallot này bao gồm: thông liên thất, động mạch chủ lệch sang phía thất phải, hẹp đ­ường ra của thất phải và phì đại thất phải.
Bệnh này thường gặp 10-15% các bệnh tim bẩm sinh nói chung và có thể chẩn đoán trước sinh bằng siêu âm.

Phương pháp xử lí tốt nhất là điều trị triệt để chữa các loại dị tật trong tim, thường được chỉ định với trẻ em trên 2 tuổi.

Thông sàn nhĩ thất

Trước đây gọi thông sàn nhĩ thất là “ống nhĩ thất”, gặp khoảng 4%. Biểu hiện lâm sàng và tiến triển tự nhiên của bệnh tùy thuộc vào mức độ nặng của thông liên thất hoặc thông liên nhĩ.

Thông sàn nhĩ thất có thể chẩn đoán sớm trước sinh qua siêu âm. Tốt nhất trẻ được phát hiện bệnh nên được mổ trước 6 tháng tuổi để tránh tăng áp lực động mạch phổi, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh tim là bệnh nguy hiểm nhưng có thể can thiệp với kết quả tốt nếu được phát hiện sớm. Thông qua khám thai định kỳ và sàng lọc trước sinh, và khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em, chúng ta có thể phát hiện được các tình trạng có nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh để có kế hoạch theo dõi và xử trí. Hãy giành cho trẻ một tương lai tốt nhất!

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*