Y học - Bệnh lý

Về bệnh đau dây thần kinh tọa

Ngày: 14-11-2012

Thần kinh tọa (còn gọi là thần kinh hông to) là dây thần kinh dài nhất trong cơ thể, nó xuất phát từ đám rối thần kinh thắt lưng cùng, sau đó chạy ra vùng mông theo mặt sau đùi xuống mặt sau cẳng chân đến gót chân, bàn chân. Đau thần kinh tọa là một bệnh khá phổ biến trong cộng đồng, thường gặp ở nam nhiều hơn nữ và thường ở lứa tuổi 30-50. Đau dây thần kinh tọa do tổn thương rễ chiếm 90-95%, còn lại là do tổn thương dây và đám rối. Bệnh không gây thiệt hại lớn về tính mạng nhưng làm cho người bệnh luôn có cảm giác đau, vận động khó, cản trở sinh hoạt hằng ngày gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả lao động.

Về bệnh đau dây thần kinh tọa - Y học - Bệnh lý - Bệnh đau dây thần kinh - Kiến thức y học - Sức khỏe gia đình

1. Triệu chứng

Bệnh có những biểu hiện rất khác nhau tùy vào nguyên nhân nhưng nhìn chung có những triệu chứng sau:

– Đau tự nhiên thường hay gặp nhất là xuất phát từ thắt lưng và lan xuống dưới chân, có khi chỉ xuống tới mông, tới đùi hay xuống tận bàn chân.

– Trong trường hợp dây thần kinh thắt lưng (L5) bị tổn thương: đau lan từ thắt lưng xuống mông ra mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, trước mắt cá ngoài, mu bàn chân rồi đến ngón chân cái.

– Trong trường hợp dây thần kinh thắt lưng cùng (S1) bị tổn thương: đau từ thắt lưng lan xuống mông, mặt sau cẳng chân, gót, lòng bàn chân, bờ ngoài bàn chân đến ngón chân út.

Đau thường xảy ra liên tục đôi khi có cơn bộc phát, nhưng cũng có thể giảm hay hết đau khi nằm… Cường độ đau rất thay đổi từ đau âm ỉ cho tới đau dữ dội không chịu được, đau tăng lên khi ho, hắt hơi thậm chí khi rặn đại tiểu tiện.

2. Nguyên nhân

Các nguyên nhân chính gây đau dây thần kinh tọa chủ yếu do 2 nhóm:

Nhóm nguyên nhân toàn thân

Viêm dây thần kinh tọa do tổn thương ở cột sống thắt lưng gây chèn ép rễ thần kinh. Các bệnh toàn thân gây đau thần kinh tọa thường gặp là: cúm, thấp tim, thương hàn, sốt rét, giang mai giai đoạn III, lậu…

Nhóm nguyên nhân tại chỗ

Thoát vị đĩa đệm: Là nguyên nhân thường gặp nhất chiếm khoảng 80%. Ở người trẻ tuổi, thường có kèm theo những dị dạng như thắt lưng trên đốt cùng, cùng hoá đốt thắt lưng, gai đôi. Ở người già thường có liên quan tới thay đổi hình dạng đĩa đệm, thay đổi các cấu tạo dây chằng.

– Thoái hóa cột sống thắt lưng cùng: Thường là mạn tính đưa đến tổn thương thoái hóa xương sống như loãng xương, nhuyễn xương, mọc gai xương, biến dạng thân đốt sống…

– Trượt cột sống: Có thể xảy ra sau một thời gian dài đi ô tô, mô tô qua quãng đường dài khó đi, đường mấp mô, có nhiều ổ trâu… Qua phim chụp X-quang cột sống ở tư thế chếch 3/4 có hình ảnh gãy khớp nhỏ (gãy cổ chó), qua phim chụp tư thế trông nghiêng thấy hình khối L chạy ra trước còn khối S lùi ra sau, thường đi kèm với thoái hoá cột sống, tổn thương các rễ thần kinh (hay gặp L5), hẹp ống sống thắt lưng.

– Bệnh lý khác về cột sống: như viêm đốt sống, viêm cột sống dính khớp, chấn thương cột sống, nhiễm trùng cột sống…

– Các khối u: u màng tủy, u đốt sống, u thần kinh, u lympho, u đa tủy xương…

– Các yếu tố làm dễ đó là: người mang vác và lao động nặng ở tư thế sai, gò bó, rung xóc, chấn thương, các động tác thay đổi tư thế đột ngột… Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò nhất định thúc đẩy xuất hiện và tái phát bệnh thần kinh tọa.

3. Điều trị

Đau thần kinh tọa là một bệnh lý tiến triển, vì vậy cần kết hợp điều trị nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cùng với chế độ nghỉ ngơi thích hợp.

– Chế độ nghỉ ngơi: áp dụng với bệnh nhân trong cơn đau cấp hoặc đợt cấp của bệnh, người bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường và bất động, tránh mọi di chuyển hoặc thay đổi tư thế làm căng dây thần kinh.

– Điều trị nội khoa: Thuốc giảm đau như Aspirine, kháng viêm không steroide. Thuốc giãn cơ như Myolastan, thuốc an thần như seduxen, xanax… Đặc biệt vitamine nhóm B liều cao kết hợp với axit folic có tác dụng rất tốt.

– Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật được chỉ định khi điều trị nội khoa không đỡ sau 6 tháng; hoặc có biến chứng liệt, teo cơ, rối loạn cơ tròn; bệnh nhân đau dữ dội, đau tái phát nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và lao động.

– Vật lý trị liệu: kéo giãn cột sống, nắn cột sống, thể dục trị liệu, hồng ngoại, sóng ngắn, đắp sáp nến…

4. Phòng bệnh

– Tránh khiêng vác vật nặng, khi muốn nhấc một vật nặng lên, nên co đùi gấp gối, đôi chân gập lại vừa phải nhưng vẫn giữ lưng thẳng. Không nên giữ thẳng hai chân và cúi cong người xuống khi nhấc.

– Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, gồm cả những bài tập co giãn nhẹ để tăng sức mạnh và sự dẻo dai cho cột sống.

– Các động tác sinh hoạt, lao động hằng ngày phải thích nghi với tình trạng của cột sống. Nếu phải ngồi lâu, nên thường xuyên đứng lên và làm các động tác thể dục giữa giờ.

– Giường ngủ phải phẳng, kê đầu bằng một chiếc gối mềm, khi nằm nghiêng phải có một chiếc gối ở giữa hai chân. Hạn chế mang giày cao gót, nên chọn giày đế thấp, đúng cỡ, người mang cảm thấy thoải mái, dễ chịu.

Bình luận bằng Facebook

Speak Your Mind

*