Hiện nay có khá nhiều người, đặc biệt là các phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ không biết thông tin gì về bệnh Rubella và nó có thể gây nguy hại cho thai nhi như thế nào.
Có những cặp vợ chồng hiếm muộn, phải thụ tinh trong ống nghiệm rất nhiều lần, người mẹ mới mang thai, nhưng khi đến bệnh viện khám thai và làm xét nghiệm mới biết thai bị nhiễm virus Rubella và phải quyết định bỏ thai.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần được tiêm phòng Rubella giai đọan tiền hôn nhân hoặc trước khi mang thai 3 tháng. |
Tại bệnh viện Từ Dũ, trong vòng 6 tháng đầu năm 2010, có 42 trường hợp thai phụ nhiễm Rubella cấp với tuổi thai dưới 13 tuần. Trong số này có những trường hợp hiếm muộn nhiều năm, có những trường hợp mang thai lần đầu tiên với sự vui mừng của hai bên gia đình nội ngọai. Vì nguy cơ hội chứng Rubella bẩm sinh cao ở tuổi thai này nên việc tiếp tục thai kỳ là 1 quyết định hết sức cân nhắc. Nếu bỏ thai thì nguy cơ cho mẹ có thể xảy ra: sót nhau, sót thai, nhiễm trùng, thủng tử cung hoặc thậm chí khó mang thai về sau.
Khi biết bệnh chuyện đã rồi
N.T.M (23 tuổi), quê ở Sóc Trăng đến khám thai tại bệnh viện Từ Dũ lúc 18 tuần tuổi, có lịch sử sốt phát ban lúc thai 12 tuần. Kết quả xét nghiệm Rubella IgM và IgG (xét nghiệm đặc hiệu kháng thể trong máu của người mẹ) đều dương tính với giá trị cao. Sau khi được tư vấn về nguy cơ thai nhi bị hội chứng Rubella bẩm sinh, cả hai vợ chồng lặng cả người, không hề biết thông tin về bệnh này trước đây.
Một trường hợp khác, chị T. K. T (38 tuổi), lập gia đình 6 năm, sau bao lâu mong đợi cũng có được một bào thai, đột nhiên chị số phát ban, mệt mỏi, đến bệnh viện khám ở tuổi thai 8 tuần. Kết quả xét nghiệm Rubella IgM và IgG đều dương tính. Chị cũng chưa hề biết đến bệnh Rubella.
Rubella nguy hại cho thai nhi
Virus Rubella ảnh hưởng đến sự phát triển bào thai, có thể gây thai chết lưu, sẩy thai, sinh non, trẻ mang dị tật bẩm sinh. Bệnh đặc biệt nguy hiểm khi người mẹ mang thai trong 13 tuần lễ đầu bị nhiễm Rubella cấp. Virus gây bệnh có thể qua nhau đến thai nhi gây hội chứng Rubella bẩm sinh (HCRBS). Hội chứng Rubella bẩm sinh gồm các dị tật bẩm sinh quan trọng như: mắt (đục thủy tinh thể), tai (điếc), tim mạch (còn ống động mạch), não (tật đầu nhỏ), gan lách to, viêm não màng não… Độ trầm trọng của các dị tật tùy thuộc vào giai đoạn tuổi thai nhiễm virus.
90% trẻ dị tật nếu mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ, 20% trẻ dị tật nếu mẹ mắc bệnh vào khoảng tuần lễ 16 của thai kỳ và rất hiếm gặp dị tật nếu mẹ mắc bệnh sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ. Dị tật bẩm sinh thường kết hợp nhiều dấu hiệu/ triệu chứng nhưng cũng có thể đơn thuần là điếc bẩm sinh (thể đơn thuần phổ biến). Tuy nhiên, không phải tất cả những dị tật bẩm sinh đều có thể phát hiện qua siêu âm hình thái học. Dị tật điếc và mù bẩm sinh rất khó chẩn đoán được trước khi sinh.
Những dấu hiệu thai phụ biết mình nhiễm Rubella: Khỏang 50% trường hợp bị nhiễm Rubella cấp có triệu chứng lâm sàng. Vào thời kỳ ủ bệnh: 5 – 23 ngày, (trung bình là 14 ngày), với dấu hiệu ban đầu: Mệt mỏi, đau đầu, sốt, viêm kết mạc nhẹ, sưng hạch, hô hấp rất nhẹ hoặc không có. Ở trẻ em, phát ban có thể biểu hiện đầu tiên, bắt đầu mọc ở trán, mặt và lan xuống lưng, các chi, ban dạng dát sẩn nhỏ, màu sáng hơn so với ban sởi nhưng có thể kết hợp thành quầng đỏ, rộng, tồn tại từ 1 – 5 ngày, trung bình 3 ngày (sởi 3 ngày). Ngoài ra, trẻ còn có triệu chứng sưng và đau các khớp cổ tay, khớp gối có thể gặp trong giai đoạn phát ban. Các triệu chứng này có thể nhầm lẫn với một số bệnh khác như: sốt tinh hồng nhiệt, sốt xuất huyết, sởi…
Phòng ngừa Rubella
Hiện nay y học chưa có cách điều trị đặc hiệu bệnh này, khi bà mẹ mang thai nhiễm bệnh có thể cho hạ sốt, giảm đau. Trẻ sinh ra có hội chứng Rubella bẩm sinh: điều trị các dị tật, kết quả điều trị tùy vào mức độ nặng nhẹ. Vì vậy vấn đề dự phòng để không nhiễm Rubella vô cùng quan trọng, Rubella có thể dự phòng được bằng vắc xin, thường sử dụng chung với vắc xin sởi/quai bị (MMR: measles, mumps, rubella). Ở nhiều nước trên thế giới đã loại trừ được Rubella qua chương trình tiêm chủng mở rộng (độ bao phủ trên 80% trẻ em). Các nước chưa loại trừ được Rubella, phòng ngừa HCRBS bằng cách tiêm ngừa cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Trẻ em trên 12 tháng tuổi: tiêm mũi 1 MMR từ 12 – 15 tháng tuổi sau đó tiêm mũi 2 MMR khi trẻ 4 – 6 tuổi. Trẻ em trên 12 tuổi không có bằng chứng đã miễn dịch với Rubella: tiêm ít nhất 1 mũi MMR, nếu tiêm 2 mũi thì cách nhau ít nhất 28 ngày.
Đặc biệt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không mang thai: tiêm 1 mũi trước khi có thai ít nhất 3 tháng. Phụ nữ đang có thai hoặc mong muốn có thai trong vòng 3 tháng không nên tiêm.
Rubella là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi virus thuộc nhóm Rubivirus, đặc trưng bởi sốt phát ban. Rubella còn gọi là bệnh sởi Đức (German Measles) hay sởi 3 ngày vì đặc trưng là phát ban 3 ngày là hết. Đối với hầu hết mọi người, bệnh tự khỏi sau 3 ngày, không để lại di chứng nghiêm trọng nên ít được quan tâm. Có những trường hợp bệnh không có triệu chứng lâm sàng nên cũng khó phát hiện được. Những biến chứng nếu có thì gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em. Một số biến chứng có thể gặp là đau khớp hay viêm khớp, đặc biệt là ở các ngón tay, cổ tay, đầu gối. Viêm não hiếm xảy ra, tỷ lệ khoảng 1/6.000 trường hợp. Xuất huyết xảy ra khoảng 1/3.000 trường hợp, thường ở trẻ nhỏ. Bệnh Rubella lây truyền qua đường hô hấp: qua những giọt nhỏ có virus trong không khí từ người bị nhiễm ho hoặc hắt hơi. Virus phát triển trong niêm mạc mũi họng và hạch bạch huyết tại chỗ. Virus Rubella tìm thấy trong chất tiết niêm mạc mũi họng từ 1 đến 2 tuần trước khi bắt đầu phát ban. Sau khi lây nhiễm, virus bắt đầu lan ra khắp cơ thể trong vòng 5 đến 7 ngày. Trong thời gian này, thai phụ sẽ truyền virus sang thai nhi. Tại các nơi công cộng, các công ty tập trung nhiều công nhân, trường học,.. là nơi dễ gây nên dịch bệnh vì khả năng lây truyền của bệnh. Khả năng lây lan virus nhiều nhất là trong giai đọan phát ban. Tuy nhiên, virus vẫn có thể lây nhiễm từ 7 ngày trước và 7 ngày sau khi phát ban xuất hiện. Do những đặc tính trên nên bệnh Rubella dễ trở thành dịch bệnh ở những quần thể đông người như khu công nghiệp, trường học… |
TS.BS.Lê Thị Thu Hà – Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM
thanh nga đã bình luận
Chào bác sỹ!
Tôi có cô em gái, lập gia đình được 4 năm nhưng chưa có con, đi khám thì kết quả là bị đa nang trứng, lạc nội mạc tử cung, em tôi cũng đã làm thụ tinh ống nghiệm nhưng vẫ không mang thai được. Cách đây 2 tháng ( thời gian tết) em tôi có sốt nhẹ 3 ngày,thì kèm theo mệt mỏi kéo dài. Sau đó em tôi đi kiểm tra sức khỏe thì phát hiện đã có thai ( tự nhiên) được 7 tuần. mới đây em tôi đi khám thai thì kết quả là thai nhi vẫn khỏe mạnh bình thường, khi kiểm tra máu thì có kháng thể rubella, em tôi làm xét nghiệm tại BV ĐH Y Dược thì khuyên tùy gia đình giữ hay chấm dứt thai kỳ thì tùy, còn BV An Sinh thì bảo không ảnh hưởng gì, em tôi rất hoang mang vì đây là đứa con mà cả 2 bên đều mong đợi. mong Bác sỹ phân tích giúp em tôi được biết rỏ. (thai kỳ đến nay được khoản 10 tuần)
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Nên thông tin đầy đủ ngày thấy kinh lần cuối? Ngày phát hiện thai và ngày thấy sốt mệt mỏi có cùng nhau không? Bạn đang ở TP HCM à? Vậy nên theo khám chương trình sàng lọc trước sinh ở BV Tử Dũ đi. Kết quả Rubella bao nhiêu? Nên đi XN lần 2 xem có tăng lên nữa không và trao đổi lại bạn nhé. Chúc em bạn bình an.
Hoai đã bình luận
chào Bác Sĩ,
vợ chồng tôi mới cưới được hơn 1 tháng,bây giờ chúng tôi muốn đi chích ngừa trước lúc sinh con không biết nên chích những loại bệnh nào? và thời gian chích khoảng bao lâu thì mang thai được?và chích ở đâu?xin cảm ơn bác sĩ.
Meyeucon.org đã bình luận
Trước hết các bạn cần đi xét nghiệm xem đã có những kháng thể của bệnh nào. Thông thường khi xét nghiệm các bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho bạn là nên tiêm loại gì. Còn về mặt cơ bản thì cần phải tiêm các loại bệnh: viêm gan B, thủy đậu, quai bị- sởi – rubella, cúm
Linh đã bình luận
chào bác si
Em năm nay 27 tuổi, em vừa bị sốt phát ban do virus rubella. Bệnh hiện giờ đã khỏi. Nhưng mẹ chồng em và 1 số chị ở cơ quan nói rằng bị bệnh này xong phải kiêng 6 tháng sau mới được phép mang thai. Liệu thế có đúng không ạ? và em bị rồi thì có cần phải tiêm vacxin trước khi mang thai nữa không ạ?
Em xin chân thành cảm ơn
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn không cần phải tiêm vaccin phòng rubella nữa và chỉ cần 3 tháng thôi cho phục hồi sức khoẻ tốt có thể có thai được. Quan trọng là phải biết phòng tránh lây nhiễm các bệnh khi đã có thai như thuỷ đậu, viêm gan B, cúm… Bạn đã tiêm phòng viêm gan B chưa? Trước khi tiêm lại phải làm XN cả 2 vợ chồng xem đã mắc chưa. Hoặc hỏi cha mẹ bạn xem lúc nhỏ đã tiêm cho bạn chưa… Bây giờ tập trung bồi dưỡng cho lại sức đã nhé. Chúc bình an.
Hiền đã bình luận
Chào bác sĩ
Vợ tôi hiện đang mang thai ở tuần thứ 18 19.
Khoảng 2 ngày trước, có thấy dấu hiệu của bênh sốt phát ban.
Tôi đã tìm hiểu và được biết thời gian ủ bệnh này là rất lâu từ 5 đến 23 ngày.
Tôi muốn hỏi bác sĩ có ảnh hưởng đến thai nhi không. TÔi đang rất lo lắng cho vợ và con tôi
Cám ơn bác sĩ.
Meyeucon.org đã bình luận
Sốt phát ban (Rubella) cực kỳ nguy hiểm cho thai nhi, bạn cần đưa vợ đi khám sớm để các bác sĩ có biện pháp.
chinh đã bình luận
tôi mới biết mình có thai.Sức khỏe bình thường nhưng thấy tóc rụng nhiều.Vậy xin hỏi bác sĩ: rụng tóc như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi của Tôi không?Xin cảm ơn!
Meyeucon.org đã bình luận
Tóc rụng có mùa, mùa này cũng đang là mùa rụng tóc. Tuy nhiên nguyên nhân ngoài dinh dưỡng còn có thể do dầu gội đầu. Bạn nên xem kỹ sợi tóc rụng có những đốt ngắn không, có những chấm trắng không? Hiện tượng chấm trắng và tóc gãy ngắn thường do nấm. Nói chung hiện tượng này không ảnh hưởng tới thai nhi, bạn nên xem các thông tin tư vấn về dinh dưỡng khi mang thai để có chế độ ăn phù hợp đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ và bé. Chúc mừng hạnh phúc của bạn