Khi trẻ sinh ra, trong cơ thể đã có sẵn một lượng kháng thể mẹ cho qua nhau thai để giúp trẻ chống lại bệnh tật. Sau sinh, kháng thể chống bệnh này giảm dần một cách nhanh chóng, giảm rất nhiều lúc trẻ 4-6 tháng tuổi và gần như biến mất lúc trẻ 9 tháng. Trong khi đó, miễn dịch chống bệnh do tự cơ thể trẻ tạo ra còn thấp và thường chỉ hoàn thiện khi trẻ được 3-4 tuổi.
Bên cạnh đó, trẻ cũng tăng tiếp xúc với nguồn bệnh ở môi trường xung quanh và dễ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Trẻ bắt đầu mắc các bệnh nhiễm trùng nhiều hơn từ lúc được 4-6 tháng tuổi và sẽ ít bị các bệnh nhiễm trùng hơn sau 3-4 tuổi.
Một nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới cho thấy trẻ 0-6 tháng tuổi mắc khoảng 2,7 đợt tiêu chảy/năm, trên 2 tuổi mắc 2,6 đợt tiêu chảy/năm, trong khi trẻ 6-11 tháng tuổi bị tới 4,8 đợt tiêu chảy/năm, cao gần gấp đôi. Các nhiễm trùng ở đường hô hấp và dị ứng cũng tăng cao hơn. Những trẻ bú mẹ được nhận một lượng kháng thể tiết có trong sữa mẹ (IgA) nên có khả năng chống bệnh tốt hơn, ít bị bệnh cũng như ít dị ứng hơn. Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, chúng ta duy trì bú mẹ tới 6 tháng tuổi và sau đó bắt đầu tập ăn dặm, còn với trẻ không bú mẹ hoàn toàn, chúng ta có thể bắt đầu trong khoảng 4-6 tháng vì sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ dị ứng thấp nhất. Nói chung, việc ăn dặm nên bắt đầu trong khoảng 17-26 tuần và phải phù hợp nhu cầu, khả năng chấp nhận, khả năng tiêu hóa và sự phát triển của trẻ.
Việc lựa chọn thức ăn trong giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân có hại từ xung quanh đang rình rập tấn công trẻ. Khi cho trẻ ăn dặm, duy trì nguồn sữa mẹ song song là giải pháp tốt nhất. Nguồn bột ăn dặm dành cho trẻ cũng phải mang lại năng lượng và các chất cần thiết cho nhu cầu phát triển tăng cao trong giai đoạn này, như có đậm độ năng lượng cao và giàu sắt, kẽm, vitamin AD, vitamin nhóm B, vitamin C, nguồn đạm và tinh bột dễ tiêu hóa, đủ chất béo cần thiết (DHA, ARA, acid béo thiết yếu…), đồng thời giúp trẻ duy trì hệ khuẩn ruột khỏe mạnh để bảo vệ đường ruột và cả cơ thể trẻ.
Cần cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm thức ăn (chất bột, chất đạm, chất béo, rau và trái cây) bên cạnh nguồn sữa. Thức ăn có độ lợn cợn phù hợp lứa tuổi để phát triển khả năng nhai nuốt của trẻ, đồng thời phải đa dạng các thực phẩm để trẻ nhận được nhiều chất dinh dưỡng cũng như làm quen với nhiều mùi vị khác nhau, sau này sẽ không kén ăn. Khi cho trẻ ăn một thức ăn mới, nên thử trong vòng 2-3 ngày để đánh giá khả năng dung nạp thức ăn của trẻ. Cần phát hiện các phản ứng dị ứng với một vài loại thức ăn mới nào đó để có thể bỏ ra khỏi khẩu phần ăn cho trẻ sau này. Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm là từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp và phải phù hợp lứa tuổi.
Chúng ta có thể tự chế biến thức ăn dặm cho trẻ hay sử dụng các loại bột chế biến sẵn trên thị trường phù hợp theo lứa tuổi trẻ. Việc tự chế biến thức ăn sẽ giúp trẻ có nguồn thức ăn tươi và đa dạng, tuy nhiên cần chú ý đảm bảo sự cân đối của các nhóm chất dinh dưỡng và vệ sinh khi chế biến, đồng thời, phải đạt độ lợn cợn tùy theo tuổi của trẻ. Trẻ 4-6 tháng tuổi nên ăn bột mịn, có thể bắt đầu bằng bột ngọt và thêm dần các bữa bột mặn vào. Trẻ 6-9 tháng có thể ăn thức ăn hơi lợn cợn để tập nhai, do đó nên băm kỹ thức ăn chứ không nên xay quá nhuyễn. Trẻ 10 tháng trở đi đã biết cắn những miếng to hơn và nhai bỏm bẻm, lúc này nên cho trẻ ăn lợn cợn và miếng mỏng, tránh những loại có dạng hạt cứng để tránh bị hóc sặc.
Nguồn bột chế biến sẵn thường tiện lợi hơn đối với những bà mẹ bận rộn, tiết kiệm thời gian và công chế biến, đảm bảo vệ sinh, đồng thời cũng mang lại nguồn dinh dưỡng cân đối, đầy đủ và một giải pháp để thay đổi khẩu vị cho trẻ. Kết hợp khéo léo giữa các thức ăn tự chế biến và thức ăn chế biến sẵn sẽ giúp trẻ có đủ dưỡng chất và những bữa ăn đa dạng.