Vừa qua, một cuộc khảo sát ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho thấy trong các loại ngộ độc được đưa vào cấp cứu, ngộ độc thuốc chiếm 50%, trong số đó thuốc chống nôn chiếm tới 30%. Nguyên nhân là do nhiều người cho con dùng thuốc này mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Theo các bác sĩ cho biết, nôn là triệu chứng đi kèm với một số bệnh lý như rối loạn tiêu hoá, rối loạn tâm lý, viêm họng, cảm cúm, ho có đờm… Cho bé ăn không đúng cách cũng có thể gây nôn. Ngoài ra, nôn còn là triệu chứng của một số bệnh nguy hiểm như viêm não, viêm màng não… Thế nhưng, nhiều phụ huynh lại không ý thức được điều này. Cứ thấy con nôn là họ ra hiệu mua ngay thuốc chống nôn về “nạp”, không cần biết trẻ mắc bệnh gì. Việc dùng thuốc tuỳ tiện như vậy rất dễ dẫn đến ngộ độc. Ngoài ra, với những trường hợp trẻ mắc bệnh nặng, thuốc sẽ làm lu mờ triệu chứng bệnh, khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn. Trong phạm vi bài này cung cấp thông tin về 2 loại thuốc chống nôn thường sử dụng cho trẻ, những tác dụng, tác dụng phụ và mức độ nguy hiểm.
Domperidone
Domperidone (Motilium M) là thuốc chống nôn do sự phối hợp của tác động ngoại biên (kích thích nhu động ruột, làm tăng lực co thắt một số cơ giúp thức ăn không chạy ngược trở ra miệng) và ức chế vùng cảm ứng CTZ truyền tín hiệu về trung tâm nôn ở não.
Do không thấm qua hàng rào máu não nên tác động ngoại biên là chủ yếu, do đó tác dụng chống nôn không bằng metoclopramide và ít có khả năng gây tác dụng không mong muốn trên hệ thần kinh trung ương như (loạn trương lực cơ, trợn mắt nhìn lên, ưỡn người, chứng ngồi, nằm không yên, đi lại chậm chạp, mất thăng bằng, nhai chậm, nói chậm..), buồn ngủ, đây là một ưu điểm so với metoclopramide.
Tuy nhiên rối loạn và buồn ngủ vẫn xảy ra dù với tỷ lệ rất thấp và thường do rối loạn tính thấm của hàng rào máu não (trẻ đẻ non, trẻ có tổn thương màng não) hay hàng rào máu não phát triển chưa hoàn chỉnh (trẻ nhỏ dưới 1 tuổi) hoặc do quá liều.
Thuốc dùng trị triệu chứng buồn nôn, nôn, cảm giác chướng và nặng bụng, khó tiêu sau bữa ăn do thức ăn chậm xuống ruột, trào ngược dạ dày thực quản.
Metoclopramide
Ngoài tác động ngoại biên và ức chế vùng cảm ứng CTZ, metoclopramide tác động trực tiếp ngay trung tâm gây nôn ở não nên được dùng để điều trị một số dạng nôn nặng, đã biết nguyên nhân, do điều trị ung thư bằng hóa trị liệu hoặc nôn sau phẫu thuật.
Do làm dạ dày rỗng nhanh và giảm trào ngược từ tá tràng và dạ dày lên thực quản nên còn sử dụng metoclopramide như một thuốc hỗ trợ nhu động ( khi trẻ bị trào ngược dạ dày – thực quản hoặc ứ đọng dạ dày,..).
Do đi được vào não nên metoclopramide có thể gây ra phản ứng rối loạn ở trẻ, ngay cả khi dùng liều bình thường. Phải chú ý bất cứ động tác không tự chủ nào xảy ra (thí dụ co cứng cơ, động tác co giật bất thường nào ở đầu và mặt). Nhìn chung những phản ứng này xảy ra khi bắt đầu dùng thuốc, khoảng 1-3 giờ sau liều cuối cùng hoặc cũng có thể xảy ra sau khi chỉ dùng một liều.
Thuốc có thể gây ra hội chứng an thần ác tính (sốt không rõ nguyên nhân có hoặc không kèm theo xanh xao, cứng cơ,..). Metoclopramide chống chỉ định đối với trẻ động kinh vì có thể làm cơn động kinh nặng hơn và nhanh hơn. Thận trọng dùng metoclopramide đối với trẻ bệnh hen do có thể tăng nguy cơ co thắt phế quản.
Trong Y văn với những trường hợp đặc biệt vẫn cho phép sử dụng cho trẻ sơ sinh, tuy nhiên mọi trẻ chỉ được sử dụng với sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc. Dạng thuốc viên thì không thích hợp sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi (hay dưới 20 kg).
Nên lưu ý rằng liều dùng của metoclopramide là rất nhỏ chính vì vậy đã có những trường hợp quá liều do tự ý dùng thuốc này.
Một số lời khuyên
Nếu trẻ bị nôn nhiều lần, trẻ sẽ bị mất nước và các chất điện giải nên phải cho trẻ bù lại bằng thức ăn lỏng hoặc các dung dịch bù nước như Oresol, Hydrite.
Khi trẻ dùng thuốc chống nôn, nếu phụ huynh thấy có những triệu chứng bất thường như đã kể trên thì phải dừng thuốc ngay và báo cho bác sĩ.
Không tự ý cho trẻ dùng thuốc chống nôn, vì sao?
Khi phụ huynh tự ý sử dụng các thuốc chống nôn có thể làm che lấp triệu chứng của bệnh nguy hiểm, hoặc làm cho trẻ bị những tác dụng phụ rất phức tạp của các thuốc chống nôn gây ra. Bởi vậy, trong bất kỳ trường hợp nào, chỉ có bác sĩ mới có thể xác định được nguyên nhân trẻ bị nôn, và loại trừ được các bệnh lý nguy hiểm mà nôn chỉ là một biểu hiện và có sử dụng thuốc chống nôn hay không? dùng loại nào, liều lượng…?
DS. Thúy Nga