Càng để trẻ em xem tivi nhiều, khả năng học tập và thể trạng sức khỏe của chúng càng dễ bị suy yếu – Công trình nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ và Canada đã chứng minh điều này.
Trường đại học Michigan( Mỹ) và trường đại học Montreal( Canada) đã tiến hành trắc nghiệm với 1300 trẻ em lớn lên cùng với tivi, và cùng đưa ra kết luận: mỗi giờ xem tivi đều gây tác động bất lợi tới khả năng tiếp thu kiến thức. Đồng thời họ cũng nhận định việc ăn quá nhiều đồ ăn nhanh cũng gây không ít tác hại.
Cuộc trắc nghiệm này được tiến hành ở Quebec với mục đích tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của việc xem tivi tới sự phát triển của trẻ em. Cha mẹ ghi nhật kí theo dõi thói quen xem tivi của trẻ ở độ tuổi 29-53 tháng ( 2,5-4,5 tuổi). Khi đó các bé 2 tuổi xem chừng 9 giờ mỗi tuần, các em 4 tuổi thường ngồi 15 giờ trước tivi mỗi tuần ( nhiều hơn mức độ tối đa cho phép 2 giờ mỗi ngày).
Nhiều năm sau, khi trẻ đã tới độ tuổi 10-12, các nhà nghiên cứu đề nghị các thày cô giáo đánh giá chi tiết về hành vi nơi trường học và khả năng học tập của các em học sinh này. Ngoài ra còn xem chỉ số cân nặng và thể trạng cơ thể của các em.
Những em khi 2 tuổi xem tivi nhiều hơn mức cho phép, ít tham gia hoạt động tập thể của lớp, học toán kém. Các nhà khoa học cũng nhận thấy sự yếu kém chung của các em này trong các hoạt động thể thao. Cùng với việc gia tăng tiêu thụ nước giải khát, chỉ số trọng lượng cơ thể cũng tăng- bị béo.
Hãy tỉnh ngộ
Dr Linda Pagani, cộng sự của đại học Montreal đồng thời là giám đốc của chương trình trắc nghiệm trên đã đăng tải kết quả nghiên cứu trong trang báo chuyên nghành Archives of Pediatrics and Adolescent Medicine.
“Thời thơ ấu là giai đoạn quan trọng của quá trình phát triển bộ não và hình thành tư cách. Nếu trong thời kì này để trẻ xem phim vô tội vạ sẽ dẫn tới hình thành những thói quen không lành mạnh về sau. Tỉnh táo suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy chính việc xem phim lấy mất thời gian dành cho các hoạt động tích lũy kiến thức và phát triển- những việc giúp cho sự phát triển nhận thức, hành vi và chức năng vận động của trẻ khi chúng tích cực tham gia”.
Bà nói thêm “dù chúng ta nghĩ rằng các tác hại của việc xem ti vi từ nhỏ không ảnh hưởng sau khi trẻ qua 7,5 tuổi. Nhưng sự thật đáng buồn chỉ ra rằng các hậu quả xấu vẫn còn lại. Những kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực y tế công cộng đã đưa ra các lí do thuyết phục chống lại việc xem ti vi quá mức của trẻ nhỏ”.
Dr Gwen Wurm, giáo sư khoa nhi của đại học Miami cũng cho rằng “Tivi thực sự là mối lo ngại khi trở thành một phần quan trọng không thể bỏ qua trong đời sống của trẻ”. Điều này cần hiểu rộng ra các loại màn ảnh nói chung như máy tính, các trò chơi video, và tất cả những gì có màn hình đi cùng. Quan trọng là trẻ hãy chỉ xem những chương trình dành cho trẻ em, và không nên đặt màn hình riêng trong phòng trẻ.
Tuần báo Morbidity and Mortality Weekly Report trong số ngày 16/07/2010 ra thông báo: nếu chúng ta ngay bây giờ hạn chế thời gian xem ti vi của trẻ, còn có hi vọng khi lớn lên chúng sẽ không xem ti vi quá nhiều.
Vẫn chưa có bằng chứng khoa học về việc xem ti vi có lợi cho phát triển của trẻ nhỏ. Ngược lại những tác động tiêu cực của tivi đã được chứng minh: trẻ học kém hơn, kĩ năng ngôn ngữ và khả năng tập trung tồi hơn. Hơn thế trẻ còn dễ béo phì do không vận động và do cả những quảng cáo đồ ăn nhanh trên tivi. Ngoài ra ảnh hưởng của việc ngồi trước màn hình tới mắt cũng không thể xem nhẹ.
Nên làm gì?
Hãy tắt tivi và cùng nói chuyện, cùng đi chơi đâu đó, dành thêm nhiều thời gian có giá trị cho trẻ. Bạn càng nói chuyện nhiều với trẻ thì kĩ năng ngôn ngữ của chúng càng tốt hơn. Ti vi không nói chuyện với trẻ khiến chúng trở nên thụ động. Đối với trẻ, điều quan trọng nhất là ở bên cha mẹ,được nói chuyện và chơi với cha mẹ. Nếu trẻ có nhiều thời gian ở ngoài không gian tự do, càng thêm khỏe mạnh.
Tại Anh, các chiến dịch của tổ chức văn hóa dân tộc kêu gọi sự chú ý của công luận tới việc điều tiết thời gian xem tivi của trẻ nhỏ. Tổ chức này cho rằng đối với trẻ nhỏ dưới hai tuổi việc xem ti vi cũng có thể hữu ích, nhưng cha mẹ cần biết hạn chế khung thời gian. Họ còn kêu gọi các bậc phụ huynh nói chuyện nhiều hơn với trẻ ngay cả trong bữa ăn hay lúc đi tắm, cùng đọc sách và chơi với trẻ. Chỉ nên cho trẻ xem những chương trình giáo dục truyền hình có chất lượng, theo độ tuổi thích hợp.