Ai cũng biết rằng, TV và internet là hai nguồn tài nguyên quan trọng trong việc giáo dục và giải trí cho trẻ, nhưng nếu dành thời gian quá nhiều vào nó thì trẻ sẽ gặp những tác động tiêu cực.
Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, không nên cho trẻ dưới 2 tuổi xem ti vi (TV). Đối với trẻ hơn 2 tuổi chỉ cho xem khoảng từ 1-2 giờ/ngày.
Đó là lí do vì sao mà chúng ta cần kiểm soát thời gian xem TV, chơi game và truy cập mạng của trẻ. Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp các mẹ kiểm soát dễ dàng:
1. Hạn chế thời gian xem TV
Để bé không suốt ngày ngồi bên màn hình TV, bạn nên dành thời gian chơi với con qua các trò chơi như đọc sách, làm toán đố trên tạp chí, xếp hình, diễn kịch, chơi các trò chơi dân gian… Những hoạt động này sẽ kéo ngắn thời gian ngồi bên màn hình của bé và giúp bé hoạt động thể chất tốt hơn
2. Không được để TV trong phòng ngủ của trẻ
Hầu như các bà mẹ sai lầm khi đặt TV và máy vi tính trong phòng ngủ của con. TV sẽ làm xáo trộn giờ ngủ của trẻ.
Hãy dành thời gian xem ti vi cùng các con
3. Tắt TV trong khi ăn
Xem TV trong thời gian ăn là một sai lầm lớn của các gia đình Việt Nam. Vừa ăn vừa xem TV sẽ rất hại cho đường tiêu hóa ,lại không có thời gian để các thành viên trong gia đình bàn luận, trò chuyện với nhau.
4. Không cho trẻ xem TV khi đang làm bài tập về nhà
Xem TV khiến trẻ không tập trung được vào bài tập và vì thế chất lượng làm bài cũng sẽ giảm.
5. Cuối tuần đi chơi chứ không ở nhà xem TV
Bạn hãy tạo nhiều hoạt động giúp trẻ linh hoạt và rèn luyện được thể lực như dã ngoại, đi thư viện, thăm bảo tàng, đọc sách, đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông…
6. Bạn cũng nên hạn chế thời gian xem
Trẻ sẽ tự hỏi rằng, tại sao bố mẹ xem được mà mình không được xem? Nếu bạn cũng cứ suốt ngày ngồi bên chiếc TV thì đừng hi vọng có thể kiểm soát được trẻ.
7. Theo dõi lịch chiếu các chương trình dành cho trẻ nhỏ
Các chương trình chiếu trên TV dành cho nhiều người, thuộc nhiều độ tuổi. Chính vì thế, cần lựa chọn những chương trình phù hợp với độ tuổi của trẻ. Nếu nhà bạn có con nhỏ, không nên đăng kí những kênh truyền hình chỉ dành cho người lớn (phim nóng, cảnh bạo lực, hành động…).
8. Xem xét chất lượng các chương trình dành cho trẻ nhỏ
Không phải chương trình truyền hình nào cũng bổ ích với trẻ, có những chương trình không mang lại ích lợi giáo dục, hoặc có những chương trình quá khó với trình độ nhận thức của trẻ. Bạn nên xem trước (nếu có điều kiện) hoặc theo dõi chất lượng của các chương trình đó trên các phương tiện thông tin để có được lựa chọn đúng đắn.
9. Theo dõi lượng bình chọn chất lượng của chương trình dành cho trẻ nhỏ
Thông thường, lượng bình chọn đánh giá chất lượng của một chương trình cũng là cách để bạn biết xu hướng về sở thích, trào lưu của trẻ bây giờ.
10. Cùng xem với trẻ
Nếu bạn không thể ngồi cả 30 phút để xem hết chương trình cùng với trẻ thì bạn cũng nên xem ít nhất là 5 phút cùng trẻ. Đây là cơ hội để bạn hiểu được những niềm đam mê, thích thú của con.
11. Nói chuyện với trẻ về những gì trẻ nhìn thấy trên TV và chia sẻ kinh nghiệm của bản thân
Nếu bỗng dưng trẻ gặp những tình huống khá là tế nhị như sex, tình yêu, nghiện ngập, uống rượu, hút thuốc, các cách cư xử khác lạ… trên TV và hỏi bạn về điều đó thì bạn cũng không nên lúng túng, tắt ngay TV mà hãy dùng chính TV để giải thích cho trẻ. Tuy nhiên, không nên úp mở mà nên nói thẳng về vấn đề.
12. Tìm sự ủng hộ từ những người khác
Nhà bạn đã có “chính sách” xem TV với trẻ như vậy thì nên nói điều đó với các bậc cha mẹ khác, với giáo viên để họ có thể ủng hộ bạn.
13. Cung cấp nhiều lựa chọn vui chơi cho bé
Nếu trẻ không muốn tắt TV đi để làm việc khác, bạn hãy gợi ý cho trẻ những hoạt động thú vị hơn như đi ra ngoài chơi chẳng hạn. Nếu trẻ không đồng ý, bạn hãy kiên nhẫn một chút, dần dần sẽ thuyết phục được trẻ.