Dù tẩm bổ “ác liệt” suốt 40 tuần mang thai và tăng đến 21 kg nhưng chị Nguyễn Thị Lan, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội lại rầu rĩ khi em bé sinh ra chỉ nặng 2,5 kg.
Tương tự là trường hợp chị Hoàng Thanh Hải, sống ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Người chị “nở ra” rất sớm, mang thai chưa đầy ba tháng mà trông đã kềnh càng như 6 tháng, cân nặng lúc lên bàn đẻ là 70 kg, tăng 25 kg so với thời điểm bắt đầu mang bầu. Nhưng em bé sinh ra đủ ngày đủ tháng nặng chưa đến 2,6 kg. Chồng Hải nói đùa: “Người ta đẻ con ba cân rưỡi mà tăng có 9 cân, mình thì phần con hai cân sáu, phần mẹ hơn 22 cân, ‘phụ phí’ quá cao, gần 90%”.
Mẹ no, con đói
Những trường hợp giống như chị Lan, chị Hải hiện khá phổ biến. Bác sĩ Lê Thị Mùi, nguyên Trưởng khoa Sản Bệnh viện 354 (Hà Nội), cho hay, trong thời gian công tác tại bệnh viện cũng như tại một phòng khám hiện nay, bà gặp không ít trường hợp mẹ tăng cân vùn vụt mà con vẫn nhỏ.
Trẻ sơ sinh nặng từ 2,5 kg trở xuống được coi là nhẹ cân. Theo bác sĩ Lê Thị Mùi, có nhiều yếu tố khiến đứa trẻ suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, trong đó phải kể đến sự hấp thu. Bào thai lớn nhờ máu mẹ, nếu chất lượng máu mẹ kém thì con sẽ hấp thu không tốt. Ví dụ như máu mẹ thiếu sắt, thiếu hồng cầu, huyết sắc tố…, đứa trẻ không thể có đủ chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện. Do đó, từ trước khi mang thai, người phụ nữ cần đi khám, xét nghiệm máu để bác sĩ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hoặc bổ sung vi chất nếu cần thiết. Trong trường hợp bà bầu quá nghén, sau 12 tuần mang thai cũng đi xét nghiệm để có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Đừng nghĩ rằng mẹ tăng cân nhiều thì con sẽ to.
Ngoài ra, nếu mẹ tăng cân vùn vụt mà con trong bụng vẫn nhỏ thì cần kiểm tra xem đứa trẻ có phát triển bất thường không. Cũng có thể phải kiểm tra bánh rau, nếu bánh rau quá bé thì dù mẹ ăn uống đủ chất, em bé vẫn không hấp thu đủ, dẫn đến tình trạng mẹ no, con đói. Một số vấn đề bệnh lý khác cũng dẫn đến tình trạng tương tự, vì vậy, thai phụ cần đi khám nếu con chậm phát triển.
Mức tăng cân hợp lý phải tùy người
Bác sĩ Lê Thị Mùi khuyến cáo, việc ăn uống bồi bổ khi mang thai là rất cần thiết vì cơ thể nuôi cả hai người. Tuy nhiên, nếu tăng cân quá mà con không hấp thu được thì người mẹ phải đối mặt với nguy cơ sinh mổ, tiểu đường, cao huyết áp… Những chị em tăng cân quá mức còn dễ bị rạn nứt da, gây mất thẩm mỹ, sau sinh cũng khó trở lại “phom” người gọn gàng cân đối trước kia.
Các bác sĩ khuyến cáo, mức tăng hợp lý khi mang bầu là 10 – 18 kg, tùy thuộc vào chiều cao, khung chậu và trọng lượng cơ thể người mẹ. Khoảng cách khuyến cáo này khá rộng, không phải ai mang thai cũng nên tăng đến 18 kg, cũng như không phải người nào cũng nên giữ ở mức 10 kg. Các bà mẹ nên nên đi khám sớm để bác sĩ hướng dẫn chế độ ăn, điều chỉnh cho hợp lý.
Có những trường hợp mẹ tăng cân rất ít nhưng con vẫn có cân nặng đạt chuẩn, như chị Phạm Thuý Hà ở Thanh Xuân, Hà Nội. Chị bị “nghén” suốt thai kỳ, ba tháng đầu giảm 2 kg, các tháng sau tăng rất chậm. Hà cố gắng bồi bổ nhưng bị nôn hết, nên đến lúc đẻ chỉ tăng 5 kg. Vậy mà thật may mắn, con trai chị nặng 3 kg, khỏe mạnh. Một tuần sau sinh, Hà đã “lượn” phố, xúng xính đi giày cao gót và diện những bộ váy công sở từ thời “chưa có gì”. Trong khi đó, lần sinh đầu tiên Hà tăng đến 18 kg mà con cũng không vượt quá 3 kg.
Từ thực tế đó, các bác sĩ khuyên chị em không nên cố nhồi nhét thật nhiều thực phẩm để “mẹ khỏe con to”, vì nhiều khi cân nặng của con không tỷ lệ thuận với mức tăng cân của mẹ. Bác sĩ Lê Thị Mùi cũng khuyên các thai phụ đừng quá chủ quan với ốm nghén, nếu mẹ bị nôn quá nhiều thì nên đến bác sĩ để được xem xét kê đơn thuốc uống hoặc truyền, tránh nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng từ bào thai.
Tigon đã bình luận
Chích ngừa trước khi mang thai như thế nào?
Em đang chích ngừa để chuẩn bị mang thai. Sau khi xét nghiệm máu thì bác sỹ bảo rằng không cần phải chích Rubella, hiện nay em chỉ mới chích mũi đầu tiên (trong số 3 mũi) của siêu vi B. Giờ em muốn chích thêm cúm và trái rạ. Vậy em có thể chích 3 loại (siêu vi, cúm, trái rạ) cùng 1 lúc được không? Nếu không thì cần phải cách thời gian như thế nào?
Meyeucon.org đã bình luận
Trả lời: Chích ngừa trước khi mang thai
Thông thường bạn có thể chích ngừa nhiều loại vắc-xin cùng một lúc mà không sợ ảnh hưởng gì. Tuy nhiên về cơ bản bạn nên khám tổng quát trước khi mang thai để bảo đảm sức khỏe và khả năng miễn nhiễm với một số bệnh nguy hiểm cho thai nhi, như vậy bạn sẽ yên tâm hơn. Các bác sĩ khám sẽ tư vấn cho bạn cụ thể xét nghiệm thế nào và chích ngừa ra sao. Ngoài ra, sau khi chích ngừa nên đợi 3 tháng hãy mang thai để bảo đảm an toàn tối đa.
Chúc bạn sức khỏe!
nguyễn thị kim nga đã bình luận
Hỏi: Ăn mướp khi mang thai có bị tiền sản giật?
Tôi nghe các cụ, các bà nói:’ ăn mướp con mẹ sẽ bị sản giật”, có đúng không?
Meyeucon.org đã bình luận
Trả lời về ăn mướp khi mang thai
Theo các thông tin về y học cho tới nay thì tôi chưa được biết tới việc ăn mướp sẽ gây ra tiền sản giật. Tiền sản giật có thể do khiếm khuyết ở nhau thai, cơ quan cung cấp dinh dưỡng và oxy cho bào thai. Lượng máu ở bào thai suy giảm, cộng với sự sụt giảm của dinh dưỡng và oxy khiến bào thai hạn chế phát triển. Biểu hiện thường là cao huyết áp và tăng protein trong nước tiểu. Việc ăn mướp (1 loại quả) có thể gây tiền sản giật là điều chưa được kiểm chứng, thậm chí tôi còn được đọc nhiều bài báo về tác dụng của mướp tốt cho thai phụ.
Mang thai thì không nên ăn mướp đắng (khổ qua), đó là điều tôi được biết và có tài liệu y học đề cập