Mang thai là niềm vui vô bờ của các bậc cha mẹ, nhưng chuẩn bị tinh thần và sức khỏe khi mang thai không phải là việc được phép coi nhẹ. Dưới đây là 10 điều cần làm của các mẹ trước khi mang thai nhé:
Ngừng uống thuốc tránh thai
Hãy dừng uống thuốc tránh thai vài tháng trước khi mang thai và áp dụng các biện pháp tránh thai khác. Điều này giúp cơ thế bạn có đủ thời gian để lượng hormone trở về bình thường.
Đây cũng là thời gian bạn kiểm tra lại vòng kinh thực sự của mình, từ đó sẽ biết được thời gian rụng trứng – thời gian dễ dàng thụ thai nhất.
Cắt giảm tiệc tùng, nhậu nhẹt
Uống rượu và hút thuốc trong thời gian thụ thai và mang thai là những điều đầu tiên cần tránh. Lượng cồn trong máu cũng như hút thuốc sẽ làm giảm chất lượng của trứng và tinh trùng. Phụ nữ hút thuốc và uống rượu cũng như chịu tác động của khói thuốc sẽ làm gia tăng nguy cơ sảy thai, mang thai dị tật, sinh con sớm…
Điều chỉnh cân nặng
Cân nặng và quá trình tăng cân của người mẹ trong quá trình mang thai vô cùng quan trọng với sự an toàn của mẹ và bé. Nếu bạn quá béo, nên có kế hoạch giảm cân trước khi mang thai. Giảm 5-7 cân trước khi mang thai sẽ giúp cho những người béo phì dễ thụ thai hơn, có một thời kỳ thai nghén khoẻ mạnh hơn, ít nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm trong thời kỳ mang thai như tiểu đường, tim mạch, tiền sản giật.
Nếu bạn quá gầy, hãy có kế hoạch bồi bổ tăng một vài cân trước khi mang thai. Mang thai là quá trình khó nhọc, trong thời gian đầu thai nghén có thể bạn còn bị giảm cân. Việc người mẹ tăng cân quá ít chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi cũng như chất lượng sữa và sức khoẻ nuôi con sau này.
Uống vitamin cho phụ nữ mang thai
Việc bổ sung vitamin không phải chỉ được thực hiện trong quá trình mang thai và cho con bú. Các bác sĩ khuyên các bà mẹ nên uống vitamin từ trước khi mang thai 3-6 tháng. Đặc biệt nên bổ sung axit folic, sắt, canxi. Việc cung cấp đủ vitamin B cho cơ thể sớm trước khi mang thai có thể làm giảm tỉ lệ khuyết tật bẩm sinh ở não và cột sống tới 70%.
Thiết lập quỹ
Có con sẽ tiêu tốn của vợ chồng một khoản ngân quỹ không hề nhỏ. Đầu tiên là những chi phí cho sữa, vitamin và những bữa ăn bổ sung hàng ngày trong quá trình mang thai. Sau đó là những khoản tiền khám thai định kỳ hàng tháng, quần áo bà bầu, tiền mua sắm đồ cho con, tiền sữa và nhà trẻ khi con sinh ra, chưa kể những lúc con ốm đi bệnh viện. Chính vì thế hãy cũng nhau tiết kiệm, lập ra một khoản ngân quỹ nhất định dùng riêng cho việc ra đời của con.
Hỏi mẹ về thời kỳ mang thai
Trước tiên hãy hỏi bà ngoại, mẹ, dì, chị gái trong gia đình bạn về quá trình mang thai của họ. Họ có mất nhiều thời gian cho những nỗ lực thụ thai không? Họ có gặp bất kỳ những rắc rối nào trong quá trình thụ thai không như tiền sử sảy thai, sinh sớm, mắc tiểu đường, tim mạch…Quá trình thai nghén của họ như thế nào, có nôn ói nhiều không… Khoa học đã chứng minh rằng có một vài biểu hiện chung có thể xảy ra với những người trong cùng một gia đình. Nếu biết được thông tin mang thai của những người thân, bạn có thể thảo luận với bác sĩ và đề phòng trước những trường hợp có thể xảy ra với mình. Nhưng bạn đừng quá lo lắng vì bác sĩ sẽ xác định được yếu tố nào là do di truyền, yếu tố nào là do những nguyên nhân khác như tinh trùng yếu, yếu tố môi trường, tuổi tác.
Sau khi hỏi những người thân trong gia đình hãy hỏi bạn bè, gia đình nhà chồng về quá trình mang thai của họ. Những kinh nghiệm từ họ sẽ là những thông tin quý báu bạn chuẩn bị cho quá trình mang thai của mình.
Dừng việc mua quần áo
Khi bạn bắt đầu mang thai, cơ thể, vóc dáng và trọng lượng của bạn sẽ thay đổi từng ngày. Bạn không thể sử dụng được những bộ quần áo bó sát để lộ đường cong gợi cảm nữa. Nếu mua sắm quá nhiều sẽ rất lãng phí vì bạn phải cất chúng trong ngăn tủ một thời gian khá dài. Rất có thể bạn cũng không thể sử dụng lại, vì vóc dáng sau sinh đã khác.
Chống stress hiệu quả
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng stress không chỉ giảm khả năng thụ thai mà còn ảnh hưởng đến chất lượng phôi thai. Hãy đảm bảo rằng tinh thần bạn đang rất thoải mái và sẵn sàng cho việc chào đón một thành viên mới trong gia đình.
Bạn cũng nên tìm một phương thức hữu hiệu chống stress như xem phim hài, đọc sách hay đi dạo cũng ông xã…Vì stress trong quá trình mang thai cũng ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển về tinh thần và thể chất của thai nhi. Hãy lên kế hoạch đầy đủ để có thể đem lại những điều tốt nhất cho đứa con yêu của mình.
Xem xét lại công việc
Nếu bạn không hài lòng với công việc hiện tại thì đây cũng không phải là thời gian đi tìm việc mới. Chính vì vậy hãy xem xét lại công việc hiện tại của bạn như giờ giấc làm việc có ổn không, nó có làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi không. Công việc bạn đang phụ trách có quá tải và làm cho bạn stress? Nếu câu trả lời là “có”, hãy đàm phán với sếp cho phép bạn phụ trách những công việc nhẹ nhàng hơn, và cho phép bạn làm việc với thời gian linh động hơn.
Chia sẻ kiến thức về mang thai và làm cha mẹ với chồng
Bạn sẽ không tự mình làm được mọi thứ trong quá trình mang thai và nuôi con. Bạn cần sự chia sẻ và giúp đỡ rất lớn của chồng. Chính vì thế hãy trao đổi với anh ấy những kiến thức xung quanh việc bầu bí và nuôi con. Anh ấy sẽ hiểu được khó nhọc của bạn và không để bạn một mình trên chặng đường này.