Chị Hương sụt sùi kể, do người lớn vô ý để ấm nước sôi trên bàn, con chị tưởng nước nguội, lôi xuống uống khiến cả ấm nước đổ vào người.
Mỗi ngày, cả nước có hơn 20 trẻ nhỏ tử vong và hàng trăm trẻ khác dù may mắn sống sót cũng phải chịu khuyết tật, tổn thương suốt đời do tai nạn thương tích. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những tai nạn đau lòng ở trẻ nhỏ, nhưng trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về ý thức của người lớn.
Phòng tránh được, nhưng…
Khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) những ngày này hầu như không còn giường trống. Nằm mê man trên giường bệnh, bông băng quấn kín suốt từ bụng cho tới chân là em H., bốn tuổi, ở Nho Quan, Ninh Bình. Chị Hương, mẹ của cháu, sụt sùi kể chỉ do người lớn vô ý để ấm nước sôi trên bàn, thằng bé không biết tưởng nước nguội lôi xuống uống khiến cả ấm nước sôi đổ vào người.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm khoa Bỏng trẻ em, trăn trở: Không mấy khi khoa có giường trống bệnh nhân, nhất là vào dịp hè, số trẻ bị bỏng thường tăng khá mạnh do trẻ ở nhà, có nhiều hoạt động vui chơi, trong khi đó nhiều người lớn lại bất cẩn khiến cho không ít trẻ bị bỏng nước sôi, bỏng bếp than, bếp điện, bàn là.
Cấy ghép da cho trẻ bị bỏng tại Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác.
Khoa Cấp cứu của các bệnh viện lớn như Nhi Trung ương, Việt – Đức, Bạch Mai… gần như ngày nào cũng phải tiếp nhận những ca trẻ nhỏ gặp tai nạn. Mới đây nhất là trường hợp bé gái M. (ba tuổi, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) dù được cấp cứu tích cực tại Bệnh viện Việt – Đức nhưng vẫn tử vong vì chấn thương sọ não nặng, vỡ cột sống cổ do bị trượt chân ngã cầu thang trong lúc chơi đùa ở nhà.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt – Đức, cảnh báo, té ngã là một tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ như gãy xương, chấn thương ngực, chấn thương bụng, chấn thương sọ não, dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010 đã có gần 500 trẻ dưới bốn tuổi bị tai nạn phải nhập viện và hầu hết những tai nạn này có thể phòng tránh được.
Rất ít ca tai nạn được sơ cứu đúng cách
Cho dù trong những năm qua, cơ quan chức năng có không ít chương trình, dự án nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em, tình trạng trên vẫn không cải thiện đáng kể, vẫn là một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ em và người chưa thành niên Việt Nam.
Ông Nguyễn Trọng An, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết trong năm qua, cả nước đã xảy ra trên 75.000 trường hợp trẻ em bị tai nạn. Số trẻ em bị chết do đuối nước chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 46%, tiếp đến là tai nạn giao thông đường bộ, ngộ độc, bỏng.
Dưới góc độ kinh tế, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 30.000 tỷ đồng chi phí cho các dịch vụ cấp cứu, điều trị và phục hồi chức năng, bệnh tật và tử vong do tai nạn thương tích.
Bà Trần Thị Ngọc Lan, Cục phó Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, cho rằng vấn đề cần xem xét nhất là nhận thức của các cấp và cộng đồng về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em còn hạn chế, cán bộ địa phương thiếu kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu và phòng chống. Thậm chí ngay tại thủ đô Hà Nội, một điều tra mới đây cho thấy, chỉ có 4% trường hợp tai nạn được chăm sóc sơ cứu đúng cách trước khi chuyển đến bệnh viện. Theo bà Ngọc Lan, việc thiếu quan tâm của người lớn, cùng sự cẩu thả trong không ít lĩnh vực, như trong thi công xây dựng, cũng gây ra những vụ tai nạn không đáng có ở trẻ nhỏ.