Đường niệu của người mang thai thường có những điểm không bình thường như: giãn niệu quản gây ứ đọng nước tiểu, giảm độ đặc nước tiểu, có hiện tượng chuyển ngược dòng bàng quang – niệu quản, lượng đường trong nước tiểu tăng, progestin và estrogen niệu tăng… Đây là yếu tố thuận lợi gây nhiễm khuẩn niệu khi mang thai.
Trường hợp nhiễm khuẩn niệu khi mang thai không có triệu chứng
Không có biểu hiện lâm sàng, nhưng 10% người mang thai gặp trường hợp này. Vì thế, ngay từ lần khám thai đầu tiên phải bắt buộc cấy nước tiểu và sau đó từ tuần thứ 12 – 16 của thai kỳ phải lặp lại để tìm vi khuẩn. Đa số người mang thai khám ở tuyến dưới thường không làm xét nghiệm này, nên bỏ sót. Nếu không điều trị sẽ dẫn đến viêm bàng quang cấp (30%) hay viêm đài – bể thận câp (50%). Ngoài ra, cũng có thể đưa đến tình trạng thai chậm phát triển, trẻ sinh ra thiếu cân.
Khi tìm thấy vi khuẩn, phải điều trị bằng kháng sinh cho đến lúc hết nhiễm khuẩn. Kháng sinh thường dùng là ampicilein, erythromycin. Trường hợp vi khuẩn kháng thuốc (khoảng 30% E. Coli kháng thuốc) thì dùng amoxycillin + acid clavulanic hay cephalexin hay nitrofurantoin. Thường dùng nhất là ampicillin.
Các kháng sinh dưới đây tuy kháng các vi khuẩn trên có khi còn mạnh hơn, nhưng khuyến cáo không nên dùng: tetracyclin vì gây hại xương và mầm răng của thai (từ tháng thứ tư), gây dị tật ở ngón chân, ngón tay. Fluoroquinolon vì gây thoái hóa sụn khớp chịu lực và chưa có đầy đủ thông tin trên thai. Bactrim (trimethoprim+ sulfamethoxazol) vì với bà mẹ sẽ gây tổn thương nặng đến công thức máu, gây thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, gây hoại tử – li giải tế bào thượng bì (ít gặp, song nguy hiểm), có thể gây suy thận, suy gan nặng và tất cả những ảnh hưởng trên bà mẹ đều có ảnh hưởng không lợi cho thai (nhất là 3 tháng đầu thai kỳ), thậm chí có thể gây khuyết tật thai (do thiếu acid folic).
Trường hợp nhiễm khuẩn niệu khi mang thai gây viêm bàng quang cấp
Biểu hiện tiểu khó, tiểu nhiều lần nhưng không có sốt. Có khoảng 1,3% người mang thai gặp trường hợp này. Khác với viêm bàng quang ở người không mang thai chỉ dùng kháng sinh 3 ngày là có hiệu quả, người mang thai viêm bàng quang phải dùng kháng sinh tới 10 ngày (có thể do khi mang thai, vi khuẩn có điều kiện thuận lợi để phát triển, trong khi cơ thể thì giảm sức đề kháng với vi khuẩn). Nếu điều trị ngắn ngày sẽ dễ bị tái phát. Vẫn dùng các kháng sinh trên, nhưng nếu cần có thể dùng liều cao hơn.
Trường hợp nhiễm khuẩn niệu khi mang thai gây viêm đài bể thận cấp
Biểu hiện sốt, lạnh run, nôn, đau hông, lưng, có hay không có rối loạn tiểu (tiểu nhiều lần, tiểu khó). Rất nguy hiểm, vì có thể dẫn đến sinh non, choáng nhiễm khuẩn. Có 2% người mang thai gặp trường hợp này và trong số mắc này có khoảng 23% bị tái phát. Không được điều trị tại nhà hay tuyến cơ sở mà cần được đưa ngay tới bệnh viện, điều trị sớm.
Kháng sinh thường dùng là dạng tiêm tĩnh mạch cefazolin hoặc gentamycin kết hợp với ampicillin hoặc ceftriaxon. Kháng sinh tiêm tĩnh mạch được dùng ngay từ khi có biểu hiện lâm sàng rõ mà không chờ kết quả xét nghiệm, dùng liên tục cho đến khi hêt sốt. Trừ một số trường hợp đặc biệt, còn đa số người bệnh đáp ứng và có hiệu quả sau 24 – 48 giờ. Nếu trường hợp đặc biệt (bị kháng thuốc hay có dị dạng đường niệu) thì cần dùng các giải pháp phức tạp hơn, cần chuyên lên tuyến có đủ điều kiện.
Sau khi khỏi, có thể dùng cephalexin hoặc nitrofurantoin hàng ngày trong một thời gian nữa để tránh tái phát. Nhiễm khuẩn niệu khi mang thai nguy hại cho bà mẹ (gây cao huyết áp – tiền sản giật, thiếu máu, viêm ối, có thể sinh non, bị choáng nhiễm khuẩn), nguy hại cho thai (làm thai chậm phát triển, trẻ sinh ra thiếu cân và có thể bị sinh non). Do vậy, cần được điều trị tích cực. Với trường hợp nhiễm khuẩn niệu khi mang thai không triệu chứng, cần chú ý đến việc thăm khám thai để khỏi bỏ sót. Với nhiễm khuẩn niệu khi mang thai có viêm bàng quang cấp hay viêm đài – bể thận cấp, cần xác định là trường hợp nặng, đưa đến đúng tuyến, điều trị sớm. Trong mọi trường hợp, cần tránh dùng các kháng sinh có hại cho thai.
DS.CKII. BÙI VĂN UY