Với thai 42 tuần, nguy cơ chết trong tử cung là trên 80%. Thai quá già tháng có thể chết cả mẹ lẫn con. Cái chết này diễn ra rất nhanh, chỉ trong vài phút và bác sĩ không thể cấp cứu kịp.
“Chửa trâu” có thể xảy ra nhưng thường có sự can thiệp sớm của bác sĩ bởi cực kỳ nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khẳng định, từ trước đến nay, bệnh viện chỉ tiếp nhận một trường hợp chửa lâu nhất là bước sang tuần thứ 42.
Tính nhầm hoặc thai giả
Dư luận xôn xao về việc chị Nguyễn Thị C., 25 tuổi, vợ anh Dương Văn T., 31 tuổi (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) mang thai tới 21 tháng nhưng chưa sinh, đi khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, các bác sĩ vẫn bảo chờ vì nhau chưa bong. Theo lời kể của gia đình, khi mang thai được ba tháng, chị C. có đến bệnh viện thị trấn siêu âm và được chẩn đoán là con trai, thai khỏe mạnh, dự tính sinh vào tháng 9/2009. Nhưng đến nay dù đã được 21 tháng, chị C. vẫn chưa sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến khẳng định: “Từ trước đến nay, bệnh viện chưa theo dõi bất kỳ một trường hợp nào mang thai 21 tháng như gia đình anh T. công bố. Với những trường hợp này, quá ngày sinh, bác sĩ sau khi khám xong bao giờ cũng phải giữ bệnh nhân lại chăm sóc, theo dõi vì có thể nguy hiểm đến tính mạng cả của mẹ và thai nhi. Nếu bác sĩ nào để bệnh nhân về sẽ bị đuổi việc ngay’’.
Theo tiến sĩ Tiến, trường hợp của vợ anh T. có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, do bệnh nhân nhầm lẫn giữa hai lần mang thai. Nghĩa là trong lần mang thai đầu tiên, chị C. đã bị sẩy, thai chết lưu nhưng không biết. Vì có trường hợp sẩy thai gây rối loạn kinh nguyệt, đôi khi không ra kinh và sau đó tiếp tục thụ thai lần thứ hai. Chị C. không biết nên cộng dồn giữa hai lần mang thai khiến có số tuổi thai lớn như vậy. Thứ hai, có thể do bệnh nhân mang thai giả. Những trường hợp mang thai giả, bụng có thể to lên vì béo hoặc bị bệnh như u nang buồng trứng to, các bệnh gan, thận hoặc bệnh gây tràn dịch trong ổ bụng.
Tỷ lệ tử vong cao
Theo giáo sư Đỗ Trọng Hiếu, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe sinh sản, ở nhiều vùng nông thôn còn tồn tại khái niệm “chửa trâu” khi người phụ nữ mang thai quá 9 tháng 10 ngày mà vẫn chưa sinh. Họ coi đó là hiện tượng bình thường của thai nghén, thậm chí còn hy vọng là con mình sẽ có trọng lượng lớn. Trên thực tế, “chửa trâu” rất nguy hiểm bởi khi thai già quá 308 ngày, tỷ lệ tử vong sơ sinh rất cao.
Ông Tiến cho biết tỷ lệ tử vong tăng dần theo thời gian có thai quá với thời gian bình thường: cao gấp hai lần bình thường khi thai trên 43 tuần; gấp ba lần khi thai trên 44 tuần. Thai từ tuần 42 tuần đến tuần 45 nguy cơ chết trong tử cung là trên 80%, trên 45 tuần là 100%. Lý do là nhau thai xơ hóa, không đưa dinh dưỡng vào được cho trẻ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, khi chửa già tháng, nước ối cạn rất nhanh, trao đổi ôxy và dinh dưỡng giữa mẹ và thai nhi bị giảm đi. Tình huống xấu nhất có thể chết cả mẹ lẫn con. Cái chết này diễn ra rất nhanh, chỉ trong vài phút và bác sĩ không thể cấp cứu kịp.
Các bác sĩ cảnh báo, phụ nữ có thai cần tính đúng, nếu nghi “chửa trâu”, nghĩa là đã có thai trên 40 tuần, cần đến cơ sở y tế khám thai ngay để được theo dõi. Thai già tháng khó nuôi hơn thai non tháng nên cần nuôi dưỡng đặc biệt cẩn thận trong những tháng đầu cho tới khi trẻ phát triển bình thường.