Môn nào điểm kém, phải thi lại, Hạnh liền thi hành “khổ nhục kế” là vác bụng bầu đến gặp thầy kể lể hoàn cảnh. Chẳng thầy nào nỡ từ chối.
Vừa muốn có bằng cấp cao hơn để khẳng định mình, để thăng tiến, vừa muốn chóng làm tròn thiên chức làm mẹ, nhiều chị em chịu khó “vác trống” đến lớp.
Vác bụng bầu đi xin điểm
Xong đại học với tấm bằng giỏi, Hạnh (Đống Đa, Hà Nội) được chuyển tiếp lên học thạc sĩ ngay, nhưng anh bạn trai hơn cô 7 tuổi không muốn chờ thêm nên đề nghị Hạnh làm đám cưới trong khi vẫn tiếp tục đi học. Hai vợ chồng bàn tính chờ khi Hạnh lấy bằng xong mới tính đến chuyện sinh con. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên cô vẫn “lỡ kế hoạch” và mang bầu. Con “trời cho”, họ quyết định để đẻ.
Những tháng cuối, bụng to, nặng nhọc, Hạnh nghỉ nhiều nên không đủ điều kiện thi một môn, phải học lại. Không cam lòng, cô vác bụng bầu to tướng tìm đến tận nhà thầy, xin được thi cho xong về còn kịp… đi đẻ, chứ để đến năm sau đang nuôi con nhỏ mà học lại thì vất vả quá. Mở cửa, chưa nhìn thấy mặt cô học trò đâu đã thấy đập vào mắt cái bụng “khổng lồ”, ông thầy phát hoảng. Đến khi Hạnh cất lời thì ông thầy dù nổi tiếng là nghiêm túc cũng đành gật đầu đồng ý cho cô đi thi, chỉ vì nể… cái bụng.
Phát hiện được “thế mạnh” của mình, còn mấy môn bị điểm kém, Hạnh đều dùng “khổ nhục kế”, khệ nệ đến gặp thầy kể lể hoàn cảnh, xin cho qua để khỏi phải thi lại. Và đúng là chả thầy nào nỡ từ chối… hai mẹ con.
Nhiều bà bầu bụng vượt mặt vẫn ham đèn sách.
Hạnh tâm sự, đi học khi “bầu bí” đúng là vất vả vô cùng nhưng cũng có cái lợi là được các thầy ưu ái, nương nhẹ. “Cứ thấy mình trưng cái bụng vượt mặt ra thì thầy cô nào cũng không nỡ, chấm điểm cũng đều chấm rẻ hơn một chút”, Hạnh kể.
Cổng trường là nơi cho con bú
Không chỉ các cô vác bụng bầu đi học mới có chuyện bi hài mà ngay cả với những cô mới “mẹ tròn con vuông” cũng còn lắm sự hài hước liên quan đến việc đi học, đi thi. Vừa xong hai học kỳ đầu tiên của khóa tại chức Đại học Kinh tế thì Thanh Hoài (phố Nguyễn An Ninh, Hà Nội) sinh con. May mắn là sinh vào đúng dịp hè nên cô không phải nghỉ học môn nào. Nhưng khi con được hơn hai tháng thì học kỳ mới bắt đầu. Thế là bà mẹ trẻ lại tiếp tục lao vào “nghiệp đèn sách”.
Em bé nhà Hoài tuy mới hơn hai tháng mà đã biết “bện hơi” mẹ. Một tuần, Hoài chỉ phải học ba buổi tối, nhưng tối nào mẹ đi học là tối đó con ở nhà khóc ròng, không ai dỗ được, phần vì nhớ mẹ, phần vì đói bởi bé không chịu ăn sữa ngoài. Xót con, chồng Hoài khuyên vợ tạm hoãn việc học, nhưng cô vẫn muốn cố cho xong vì sợ khi đã ngừng thì rất khó quyết tâm quay lại học nốt. Thế là tối nào phải đến lớp, cứ đến giờ nghỉ giải lao là Hoài lại chạy về để dỗ và cho con bú, vì nhà cũng gần trường. Nhưng nhiều lần mới ra đến cổng trường, cô đã thấy chồng bế con đến, bảo con bé khóc quá, gọi cho vợ không được nên phải bế đến tận nơi. Thế là hai mẹ con Hoài “dọn tiệc sữa” ngay tại cổng trường. Xong xuôi, bố lếch thếch bế con về, còn mẹ vào lớp học tiếp.
Học đi đôi với… đẻ
Ngoài những bà mẹ do hoàn cảnh bắt buộc phải vừa đi học vừa chửa đẻ, có không ít phụ nữ chủ động sinh con trong thời gian học, coi đây là một cách “tranh thủ”, kết hợp một công đôi việc. Đó là câu chuyện của Thu Thủy, giáo viên một trường ở Sơn Tây (Hà Nội). Hai đứa con của cô đều được cùng mẹ đến lớp khi còn là bào thai.
Khi nhận được quyết định của cơ quan cử đi học thạc sĩ, song song với việc chuẩn bị bút sách, Thủy lên kế hoạch sinh con đầu lòng sau một thời gian “kế hoạch”, bởi trong thời gian đến lớp, cô không phải làm việc cơ quan. Mỗi ngày chỉ phải đi học một buổi, có khi chỉ lên lớp mấy giờ vào buổi tối nên thời gian trong ngày của Thủy khá “xông xênh”, không vất vả gì. Thế là sau ba năm “dùi mài kinh sử”, khi trở lại làm việc, Thủy đã có trong tay không chỉ tấm bằng thạc sĩ mà cả một cô con gái đã hơn hai tuổi. Bốn năm sau, Thủy làm tiếp “tập hai”, cũng tranh thủ trong thời gian đi làm nghiên cứu sinh lấy bằng tiến sĩ. Đồng nghiệp biết chuyện, ai cũng lắc đầu lè lưỡi.
“Mật độ” bà bầu đông nhất là ở các lớp tại chức, văn bằng hai và cao học, và ngày càng có nhiều phụ nữ mang thai “vác bụng” đến lớp. Một thầy giáo còn khá trẻ của Đại học KHXH và NV (Hà Nội) kể về buổi đi dạy đầu tiên của mình tại một lớp tại chức. Do đặc thù ngành đào tạo, học viên trong lớp chủ yếu là nữ. Vào lớp, nhìn xuống, chưa cần đếm đã thấy hơn chục bà bầu ngồi “oai vệ” bên dưới, thầy giáo trẻ phát hoảng. Thời gian trôi qua, anh nhận thấy việc học hành của các bà bầu này cũng rất… bí, như hay nghỉ học hoặc xin về sớm với đủ lý do liên quan đến… em bé trong bụng. Lúc thì: “Tự dưng em thấy đau bụng quá, thầy cho em về sớm”, lúc lại: “Em bé không hiểu sao lâu không thấy… đạp, em xin phép về đi kiểm tra”. Với lý do này, thầy giáo trẻ như anh không bao giờ dám từ chối.
Nhưng dù thế nào, khi nghĩ về những phụ nữ mang bầu vẫn quyết làm cho xong chuyện đèn sách, hầu hết mọi người đều thương và nể. Mai Hương, 32 tuổi, làm việc ở một công ty thực phẩm tại Hà Nội, nói: “Lấy chồng rồi là bận bịu trăm việc, nói đến học đã thấy ngại, chưa kể đến chuyện bụng mang dạ chửa. Mình cũng tốt nghiệp đại học bằng giỏi, cũng định làm thạc sĩ, nhưng có con rồi là thôi. Thế nên bạn nào bầu bí vẫn quyết tâm học hành đều là những người nhiều nghị lực, đáng cho cả nam giới cũng khâm phục”.