Bệnh đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm mà người bệnh phải… sống chung thân. Đối với người đái tháo đường có thai hoặc mắc đái tháo đường khi mang thai có nhiều nguy cơ xấu cho sức khỏe và biến chứng thai nhi, sinh con dị tật, thậm chí chết lưu.
Mất con vì bị đái tháo đường
Cho đến giờ, chị Vinh ở Lâm Thao, Phú Thọ vẫn không khỏi “đau lòng” khi đã mang thai đến tháng thứ tám mà vẫn không giữ được con. Trước đó, khi đi khám sức khỏe, chị được các bác sĩ cho biết mắc chứng bệnh đái tháo đường nhưng do chủ quan chị đã không điều trị dứt điểm, thường xuyên. Quá trình mang thai, đường huyết của chị tiếp tục tăng lên mà không hề biết. Đến khi chị đi khám thai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì đường huyết đã lên quá cao.
Kiểm soát đường huyết thường xuyên rất quan trọng đối với phụ nữ có thai.
Chị phải vào Khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương để điều trị giảm đường huyết với triệu chứng hai chân bị phù. Nhưng chỉ sau bảy ngày, thai đạp yếu dần và bị chết lưu. Nguyên nhân do đường huyết của mẹ cao khiến thai nhi không hấp thụ được các chất dinh dưỡng dẫn đến chết lưu.
Đối với chị Minh ở Hải Hậu, Nam Định thì đứa con ở lần mang thai thứ tám này quả là quý giá vô cùng. Trong bảy lần mang thai trước, cứ được một thời gian chị lại bị sảy. Gia đình đã chuyển chị từ trạm y tế xã, bệnh viện huyện rồi bệnh viện tỉnh sau mỗi lần mang thai mà không tìm ra nguyên nhân.
Đến lần này gia đình đã quyết định phải đưa chị lên “tuyến trung ương” để khám ngay từ khi mang thai ở tháng thứ hai. Chị đã phải “trực” ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương để thăm khám thường xuyên. Nhờ vậy mà các bác sĩ đã phát hiện đường huyết của chị Minh tăng dần. Các bác sĩ cho biết, trường hợp của chị Minh là bị đái tháo đường thai kỳ-khi mang thai thì bị mắc đái tháo đường. Nhờ kiểm soát đường huyết tốt nên đến lần mang thai thứ tám chị Minh đã thành công và sinh được cháu bé khỏe mạnh, bụ bẫm.
Phải kiểm soát đường huyết
Người bị tiểu đường trước khi mang thai thì đường huyết cao ngay từ khi thụ thai. Tình trạng đường huyết cao khiến người mẹ dễ bị sảy thai sớm, sinh non, con quá to, sinh ra con dị tật. Ngay cả trong các trường hợp tiểu đường xuất hiện muộn trong thai kỳ, nguy cơ của thai nhi như sang chấn lúc sinh hay suy hô hấp… cũng cao hơn nhiều lần so với bình thường. Ngay cả đứa trẻ nếu mổ sớm cũng khó cứu được do bị suy thai.
Đối với những người bị đái tháo đường thai kỳ thì cũng gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Người mẹ dễ bị tình trạng thai chết lưu và trở thành bệnh nhân đái tháo đường typ 2. Còn với trẻ sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao gấp tám lần bình thường. Trong đó, nguy cơ bị dị tật tim mạch cao gấp 18 lần, dị tật hệ thần kinh cao gấp 16 lần. Bên cạnh đó, trẻ cũng dễ mắc các bệnh vàng da kéo dài, hạ canxi máu, bị suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong ngay sau sinh-ThS Nguyễn Thu Huyền, Phó Trưởng khoa đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cảnh báo.
Các bác sĩ khuyến cáo, để tránh những biến chứng đáng tiếc cho cả mẹ và con, phụ nữ đái tháo đường khi có thai cần điều trị đường máu ổn định trước, trong và sau khi mang thai. Thử máu nhiều lần, khám bệnh thường xuyên với cả bác sĩ chuyên khoa về đái tháo đường và bác sĩ sản khoa để quá trình mang thai được an toàn.
Phụ nữ có thai, tránh đái tháo đường thai kỳ cần kiểm tra đường huyết thường xuyên để phát hiện sớm nguy cơ bị đái tháo đường. Thời gian làm các test sàng lọc và chẩn đoán đái tháo đường nên làm ở tuần thai thứ 24 đến 28. Những thai phụ thuộc nhóm nguy cơ cao (có tiền sử sản giật, thai chết lưu, đẻ con to trên 4kg hoặc nhỏ dưới 2kg) cần theo dõi thêm tim thai 1-3 lần/tuần từ tuần thứ 27.