Vệ sinh cá nhân không tốt, sử dụng nước không an toàn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh, trong đó đáng cảnh báo nhất là tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em.
Thông tin trên được ông Thowai Zai thuộc Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cho biết hôm 28/9.
Theo ông Thowai Zai, Việt Nam là một trong 36 nước đóng góp cho thế giới đến 90% tổng số trẻ em thấp còi. Điều này có thể phòng tránh bằng cách cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân, tiếp xúc thường xuyên với nguồn nước sạch.
Ông này cũng dẫn theo một nghiên cứu của UNICEF và Bộ Y tế tiến hành năm 2009 cho thấy, nếu tăng tỷ lệ tiếp cận với nguồn nước an toàn, thì số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân có thể giảm từ 0 đến 23%, và giảm từ 0 đến 33% tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Còn nếu tăng tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thì có thể giảm từ 1 đến 10% tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân và 4 – 16% tỷ lệ thấp còi ở trẻ em dưới năm tuổi.
Chỉ 12% dân số nông thông quen rửa tay bằng xà phòng.
Trong khi thực tế ở Việt Nam, phần lớn người dân sống trong vùng nông thôn không có thói quen rửa tay bằng xà phòng vào những thời điểm cần thiết như trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với phân trẻ em.
Theo báo cáo của Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn NCERWASS, năm 2010, khoảng 40% dân số Việt Nam chưa được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn. Chỉ có khoảng 12% dân số nông thôn có thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh. Điều này gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai, tài nguyên tăng đáng kể.
Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cũng chỉ ra rằng, vệ sinh môi trường kém và sử dụng nước không an toàn còn gây ra 7 triệu ca tiêu chảy; 2,4 triệu ca bệnh ghẻ, nhiễm giun sán, viêm gan A và đau mắt hột; 0,9 triệu trường hợp liên quan đến suy dinh dưỡng, và hơn 9.000 ca tử vong do tiêu chảy xảy ra ở Việt Nam mà phần lớn là trẻ em.
Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, cứ 10 bệnh thì 8 có liên quan đến nguồn nước, nhất là các bệnh truyền nhiễm.