Ý nghĩ về việc sẽ bị rách, rạch tầng sinh môn hoặc những biến cố khác là điều mà hầu hết phụ nữ mang thai đều rất sợ hãi. Tuy nhiên bạn đừng quá lo lắng, bởi trên trái đất này có hàng triệu bà mẹ đã vượt qua nó một cách dễ dàng.
Hãy trải nghiệm nó một bằng ý chí và lòng can đảm thiên bẩm của những người mẹ thực thụ.
Từ tuần thứ 35 trở đi, bạn nên tích cực tập luyện những bài tập hỗ trợ sinh nở, đó là cách duy trì tư thế tốt để giúp em bé di chuyển vào vị trí lý tưởng khi bạn lâm bồn. Hãy kết hợp với những việc sau:
– Thử một số bài tập với quả bong tròn lớn và một chiếc ghế.
– Ăn uống thật thỏa thích những món bổ dưỡng.
– Thực hành các bài tập thở theo chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa.
– Tập yoga dành cho thai phụ.
– Xoa bóp đáy chậu (vùng giữa âm đạo và hậu môn của bạn) với dầu ô liu, vitamin E để cải thiện độ ẩm, độ đàn hồi của da.
Ám ảnh rạch tầng sinh môn?
Hầu như tất cả phụ nữ cảm thấy sợ hãi khi đến việc rách âm hộ hoặc phải rạch tầng sinh môn. Tuy nhiên nó không quá đau đớn và kinh khủng như bạn tưởng tượng. Chỉ khi nào em bé quá lớn hoặc tử cung không giãn nở được mới cần thực hiện thao tác này. Có nhiều cách để bác sĩ hỗ trợ cho việc sinh nở của bạn, vì thế đừng quá hoảng sợ.
Rạch tầng sinh môn là tạo một vết cắt nhỏ (2-3cm) ở đáy chậu của bạn, để nới rộng chỗ hơn cho đầu của bé dễ dàng đi qua. Sẽ không quá đau vì bạn được gây tê cục bộ, sau khi bé ra khỏi bụng mẹ, vết rạch sẽ được khâu lại ngay.
Sau sinh, bạn được uống thuốc giảm đau và cách chỉ dẫn vệ sinh vết thương với nước ấm và rửa nhẹ bằng vòi hoa sen. Hầu hết các vết thương sẽ bớt đau và lành sau một vài tuần.
Những dấu hiệu chuẩn bị cho cơn vượt cạn
- Thở dễ hơn: Là bởi lúc này thai nhi đã di chuyển về phía dưới khiến sức ép cơ hoành giảm xuống.
- Thay đổi vị giác: Bạn sẽ cảm thấy không còn hứng thú với những món khoái khẩu nữa.
- Giảm cân: Thông thường khi sắp sinh, cơ thể thai phụ sẽ giảm đi khoảng 1-2 kg.
- Thay đổi tâm tính, cảm xúc: Tâm trạng thai phụ giai đoạn này lẫn lộn đủ thứ cảm xúc, lo lắng, hồi hộp đan xen.
- Đi tiểu nhiều: Bé di chuyển xuống dưới, chèn vào bàng quang khiến bạn luôn có cảm giác muốn đi vệ sinh.
- Các hoạt động của thai giảm dần: Thai nhi đã hoàn thiện và định vị một chỗ để sẵn sàng ra đời.
- Đau phần thắt lưng và sưng chân: Đây là triệu chứng phổ biến của hầu hết các thai phụ sắp chuyển dạ.
- Ra một ít máu: Cổ tử cung mở rộng, âm đạo tiết dịch hoặc một ít máu để báo hiệu em bé sắp chào đời.
Tại phòng chờ sinh nên làm gì?
Giữa các cơn đau:
– Hãy tranh thủ ăn nhẹ 1 chút gì đó (bánh quy, cháo, trứng luộc…) khi chưa xuất hiện cơn đau hoặc giữa các cơn đau để có sức khoẻ cho cuộc vượt cạn (khi lên bàn sinh, bạn sẽ phải cần rất nhiều sức lực để đẩy bé ra ngoài).
– Hãy uống sữa hay nước cam (nhưng nhớ đừng uống cả sữa và nước cam cùng 1 lúc hoặc quá gần nhau để tránh bị đầy bụng.
– Hãy nói với người thân chuẩn bị đầy đủ 1 bộ áo lọt lòng, tã, khăn gạc (có người gọi là khăn sô hay khăn sữa), mũ, bao tay bao chân, tất cả đều phải được giặt sạch, phơi khô để bác sĩ mặc cho bé sau khi bé chào đời.
Trong cơn đau:
– Cố gắng nằm hoặc ngồi im, không đi lại quá nhiều. Ngậm miệng và mím môi thật chặt để tránh bị khô họng và mất nước.
– Hãy cố gắng thật bình tĩnh, đừng quá hồi hộp, đừng la hét ầm ĩ làm ảnh hưởng tới những người xung quanh và làm mất sức. Hãy để dành sức cho đến khi cần thiết.
– Bác sĩ có thể yêu cầu bạn dùng ngón tay vê vê tròn nơi đầu ti, điều này sẽ giúp kích thích co bóp tử cung, hỗ trợ bạn đưa bé ra ngoài.
– Hãy báo với bác sỹ ngay khi cảm thấy đau dữ dội và có cảm giác muốn rặn, buồn đi ngoài. Nhưng nhớ đừng rặn non (rặn những cơn ngắn, không đủ sức). Khi vào phòng sinh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn khi nào cần rặn sinh. Hãy để ông xã sát cánh cùng bạn ở thời khắc quan trọng này.
Chúc bạn “mẹ tròn con vuông” nhé!
Hương đã bình luận
em bị viêm đường tiết niệu từ tháng thứ 5 đến giờ là tuần thứ 37 rồi,đi khám và uông thuốc mà không khỏi, vậy cho em hỏi bệnh này có ảnh hưởng gì đến việc sinh thường không? em không bị tăng huyết áp khi mang thai.
Meyeucon.org đã bình luận
Bạn không nói rõ đã làm xét nghiệm gì về nước tiểu để xác định viêm do loại vi khuẩn nào. Nếu xác định được loại vi khuẩn thì có thuốc phù hợp sẽ điều trị hiệu quả hơn. Bệnh viêm tiết niệu không ảnh hưởng tới khả năng sinh con đường tự nhiên. Nhưng sau sinh sức đề kháng giảm, viêm đường tiết niệu dễ lan rộng, ngược dòng lên thận, viêm âm đạo. Bạn cần phân biệt hiện tượng đái dắt, đái buốt do tử cung chèn ép bàng quang.