Nhiễm khuẩn niệu trẻ em chiếm khoảng 7% ở bé gái và 2% ở bé trai dưới 6 tuổi. Đa số do vi khuẩn ngược dòng với nước tiểu. Đối với trẻ dưới 12 tháng, đa số do vi khuẩn từ đường máu. Các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn niệu thường là Escherichia Coli (60 – 80%), kế đến là Proteus (gặp ở bé trai hoặc ở bệnh nhi có sỏi thận), Klebsiela, Enterococcus và các Staphylococcus. Táo bón mạn, bàng quang không ổn định làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn niệu trẻ em…
Thuốc điều trị thường dùng
Nhiễm khuẩn niệu thường do bội nhiễm nhiều loại khuẩn. Trong lúc chờ kết quả cấy nước tiểu, cấy máu (để xác định khuẩn), dùng kháng sinh phổ rộng. Sau khi có kết quả kháng sinh đồ, dùng kháng sinh tùy theo sự đáp ứng. Nếu sau 2 ngày dùng, triệu chứng không cải thiện thì cấy lại máu, làm thêm xét nghiệm hình ảnh. Dùng kháng sinh ngắn ngày (3 – 5 ngày) cho hiệu quả như dùng kháng sinh dài ngày (7 – 14 ngày). Sau đợt dùng kháng sinh, không cần cấy lại nước tiểu (vì đa số trường hợp đều âm tính). Có thể chọn một trong các kháng sinh dưới đây với liều khuyến cáo:
– Amoxicilin: Có phổ kháng khuẩn rộng, mạnh và vững bền hơn penicillin, ampicilin trong đó có tác dụng mạnh trên Escherichia Coli, Proteus, Enterococcus, nên dùng trong nhiễm khuẩn niệu, đặc biệt là cho trẻ dưới 2 tuổi.
– Các cephalosporin: Là kháng sinh phổ rộng. Tùy theo sự đáp ứng mà chọn một trong các loại: cephalexin, cefprozil, cefpodoxim, cefixim…
– Loracarbef (lorabid): Là kháng sinh tổng hợp thuộc nhóm betalactam gọi là carbacephem, đôi khi xếp vào nhóm cephalosporin, có tác dụng trên Escherichia Coli và các Staphylococcus (aureus, pneumoniae, pyogenes) nên dùng trong nhiễm khuẩn niệu (và cả trong nhiễm khuẩn hô hấp); tương tự như cefaclo nhưng ổn định hơn về mặt hóa học. Thuốc có thể gây dị ứng, có khi gây sốc phản vệ, tiêu chảy (hay gặp ở trẻ dưới 12 tuổi), làm thay đổi vi khuẩn ở đại tràng, tăng vi khuẩn C. dificile , gây viêm đại tràng giả mạc dẫn đến tiêu chảy, sốt, thậm chí gây sốc; ngoài ra còn gây buồn nôn, đau bụng, phát ban, xét nghiệm gan có bất thường, đau đầu, chóng mặt.
– Sulfisoxazol (tên khác sulfafurazol): Là sulfamid có nhóm thế oxazol, kháng các khuẩn gram âm và dương, dùng trong nhiễm khuẩn niệu. Không dùng với người mẫn cảm với sulfamid, trẻ dưới 2 tuần tuổi, trẻ đẻ non dưới 2 tháng tuổi.
Thuốc dự phòng tái phát
Tỷ lệ tái phát ở trẻ dưới 5 tuổi khoảng 12%, riêng trẻ dưới 6 tháng tuổi là 18,6%. Dùng kháng sinh dự phòng có thể giảm sự tái phát. Chọn một trong các kháng sinh dưới đây, dùng theo liều khuyến cáo (thường thấp hơn liều trong điều trị).
– Acid nalidixic (negram): Là kháng sinh quinolon thế hệ đầu tiên, có phổ kháng khuẩn rộng, song chủ yếu trên các gram âm Escherichia Coli, Proteus, Klebsiela nhưng kháng với các gram âm (Enterococcus, Staphylococcus) nên dùng trong nhiễm khuẩn niệu do vi khuẩn gram âm. Không làm mất cân bằng sinh thái vi khuẩn đường ruột (ưu điểm hơn loracarbef nói trên). Thuốc bài tiết qua nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa không hoạt tính (80 – 90%) nhưng còn dạng không biến đổi và dạng biến đổi có hoạt tính vẫn có nồng độ 25 – 250microgam/ml (sau khi uống 1gam), đủ sức để ức chế các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn niệu (nồng độ cần thiết gây ức chế là 16 microgam/ml). Thuốc có thể gây tích lũy, đặc biệt ở người suy chức năng gan, thận, thiếu men G6PD; nghi ngờ gây hỏng sụn khớp của trẻ nhỏ, vì vậy không dùng cho trẻ suy chức năng gan thận, thiếu men G6PD, dưới 3 tuổi. Ở liều điều trị, ít khi gây tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng quá liều thì có thể gây loạn tâm thần nhiễm độc, co giật, tăng áp lực nội sọ, tăng acid chuyển hóa, nôn, buồn nôn.
– Nitrofurantoin: Kháng và sát khuẩn đường niệu có thể gây ra rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, ăn kém ngon (nhất là dùng lúc đói), sốt, đau cơ, nhức đầu, khô miệng, chóng mặt, tăng bạch cầu, khó thở, có triệu chứng giống hen, rụng tóc, ban đỏ toàn thân. Dùng kéo dài có thể gây các phản ứng cấp mạn ở phổi (viêm kẽ phổi lan tỏa, xơ hóa phổi), bị viêm gan (nếu dùng nhiều năm), bị thiếu máu, tan máu (khi thiếu enzym G6PD). Hiện ít dùng do có các thuốc tốt và an toàn hơn.
– Methenamin (hexaminum): Là chất dị vòng có tính sát khuẩn (do sinh ra formaldehyt). Dùng dưới dạng hipurat hay mandelat trong nhiễm khuẩn niệu. Có thể gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, ban đỏ, protein hay huyết – niệu. Không dùng cho người viêm thận.
Lưu ý: Nếu trước đó, trẻ có dùng kháng sinh (do dùng trong bệnh khác), sự phơi nhiễm kháng sinh càng gần (trong vòng 60 ngày) thì khi nhiễm khuẩn niệu lần đầu thường dễ có phát sinh sự kháng thuốc. Nếu bị phơi nhiễm amoxicilin trước đó 30 ngày thì sẽ phát sinh sự kháng amoxicilin+ clavulanat, trước đó 30 – 60 ngày thì sẽ phát sinh sự kháng ampicilin. Vì vậy, khi gặp nhiễm khuẩn niệu trẻ em lần đầu, cần xem lại việc dùng kháng sinh trước đó, chọn kháng sinh thích hợp nhằm tránh sự phát triển kháng thuốc.
Việc chẩn đoán xét nghiệm có nhiều cải tiến (thuận lợi, tiết kiệm), ngoại trừ một số kháng sinh cũ có tính độc, bị vi khuẩn kháng ít dùng (nói trên), các kháng sinh đang dùng như amoxicillin, cephaalosporin, loracarbef, acid nalidixic đều là thuốc gốc (dễ kiếm, giá thành hạ); do đó việc điều trị và dự phòng tái phát nhiễm khuẩn niệu có thể thực hiện thuận lợi ở các tuyến.
DS. Bùi Văn Uy
Dung đã bình luận
Thưa bác sỹ. Tôi có 2 câu hỏi muốn được bác sỹ tư vấn
*Thứ nhất: Bé nhà tôi khi vui chơi, do không để ý, nên đã sơ xảy bị ngã đập đầu vào cạnh giường. Sau một hồi tôi sờ thấy sưng 1 cục như trái ổi. Quan sát 2 ngày nay thì cháu không có biểu hiện gì bất thường, vẫn ăn, ngủ và chơi bình thường. Đêm thì thi thoảng cháu dậy quấy khóc 1 lúc rồi lại ngủ. Tôi rất lo lắng vì 2 hôm rồi vẫn thấy vết sưng đó. Nghe nói ngã đập phía sau rất nguy hiểm, liệu tôi có nên cho cháu đi chụp cắt lớp hay không?
*Thứ 2: Bé nhà tôi được 17 tháng, dạo gần đây tôi thấy cháu có biểu hiện rất hay sờ vào vùng kín (cháu là bé gái), thi thoảng bé thường dùng các vật như thú bông hoặc quần, áo… kẹp vào háng rồi kéo ngược lên, trông rất khó coi. Tôi kiểm tra và có vệ sinh hàng ngày chỗ kín cho bé, quan sát thì không bị sưng, đỏ hay có dấu hiệu lạ gì. Xin hỏi? Có khi nào cháu bị viêm đường tiết niệu hay bé bị dậy thì sớm nên có các biểu hiện trên.
Mong bác sỹ giải đáp.
Mai đã bình luận
Con trai em mới sinh được 2 tháng,lúc mới sinh ở vùng lông mày của cháu có những mảng da bị cộm lên.em đã kì cọ cho cháu mỗi lần tắm nhưng cho đến nay vùng da đó vẫn không khỏi.nó lan rộng sang 2 bên lông mày,sờ lên đó thấy sần sùi,khô giáp,bong ra những mảng da. Cho em hỏi cháu bị sao vậy và em phải làm gì ạ?
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Có thể bé bị viêm chàm da, bạn thử bôi dầu dùng cho sơ sinh bôi lên ( mua ở các siêu thị chuyên cho bé) Tốt nhất đi khám BS chuyên khoa da liễu để có thuốc đặc trị