Viêm họng là một bệnh phổ biến trong cộng đồng, nhất là khi môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay ở các thành phố, khu công nghiệp. Tỷ lệ mắc nhiều ở trẻ em dưới 7 – 8 tuổi. Có tới 200 chủng virut gây viêm họng và thường tự khỏi nếu sức đề kháng của cơ thể tốt. Ngược lại nếu cơ thể yếu, sức đề kháng giảm, người bệnh có thể bị bội nhiễm các vi khuẩn. Trong đó nguy hiểm nhất là loại liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.
Khám bệnh cho trẻ tại BV Nhi đồng 1 – TP. Hồ Chí Minh.
Khi nào viêm họng được gọi là nguy hiểm?
Viêm họng được gọi là nguy hiểm khi nguyên nhân gây viêm họng do liên cầu bêta tan huyết nhóm A. Nguyên nhân là do vỏ của loại liên cầu này có cấu trúc gần giống cấu tạo của màng thận, màng tim, màng khớp, do đó khi mắc bệnh và không được điều trị kịp thời cơ thể tự sản sinh ra kháng thể chống lại loại liên cầu này, đồng thời tấn công cả vào thận, tim và khớp gây viêm khớp, viêm cầu thận, thấp tim để lại hậu quả rất nặng nề cho bản thân người bệnh nhân và cộng đồng.
Theo các bác sĩ, một số yếu tố quan trọng để phát hiện viêm họng do liên cầu bêta tan huyết nhóm A bao gồm:
– Bệnh thường khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao 30-40oC, người mệt mỏi.
– Khám họng thấy có mủ trắng bẩn ở khe, hốc amiđan hai bên. Sờ thấy hạch dưới hàm cả hai bên, di động, ấn đau.
– Bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao khi lấy máu làm xét nghiệm.
Phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu
Khi mới thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm họng, người bệnh cần tới cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để khám phát hiện hoặc loại trừ loại viêm họng nguy hiểm này và đưa ra biện pháp điều trị thích hợp nhất. Mỗi loại viêm họng đều có những nguyên nhân khác nhau trừ những đợt có dịch. Mỗi nguyên nhân lại gây ra những tổn thương đặc thù mà dựa vào các dấu hiệu có trên niêm mạc họng cụ thể khi đó bác sĩ sẽ đưa ra cách xử trí hợp lý nhất như có dùng kháng sinh hay không dùng kháng sinh, nếu phải dùng thì sử dụng nhóm kháng nào đem lại hiệu quả cao cho bản thân người bệnh, tránh tình trạng lạm dụng thuốc. Cách điều trị tốt nhất là lấy dịch họng đem nuôi cấy xác định loại vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ.
Điều trị thường kết hợp với sát khuẩn vùng họng bằng nước muối sinh lý ngậm họng, súc họng với dung dịch kiềm loãng. Khí dung mũi họng theo chỉ định bằng tinh dầu bạc hà, thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm dạng hòa tan. Đắp khăn nóng vào hai bên cổ.
Phòng bệnh rất biện pháp rất quan trọng, đặc biệt khi có dịch viêm mũi họng. Giữ ấm vùng cổ, tránh ngồi, ngủ, tắm… ở nơi có gió lùa. Ăn nhiều hoa quả chứa nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng của cơ thể và mũi họng.
Bác sĩ Trần Quốc Ninh