BPA có mặt trong rất nhiều sản phẩm thương mại, vật dụng như bình sữa, bình nước của em bé, đồ chơi bằng nhựa, các vật dụng dùng cho sinh hoạt gia đình, hộp đựng thức ăn bằng nhựa, các loại đĩa CD, DVD, vật dụng điện tử gia đình… Đây là những thứ trông rất đẹp mắt, hấp dẫn, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Ngoài ra nó còn hiện diện trong lớp sơn phủ ở mặt trong của hộp đựng thức ăn, đồ uống có cồn và trong những lớp sơn ở tường, cửa xung quanh chúng ta.
Dễ nhiễm
BPA vào cơ thể người thông qua ba đường: trực tiếp qua da, qua hô hấp, qua tiêu hóa. Khi sản phẩm có chứa BPA được rửa, đặc biệt có sử sụng các chất tẩy rửa, các chất có tính acid hoặc dưới nhiệt độ cao, BPA sẽ được phóng thích và theo thức ăn đi vào cơ thể. Tình trạng BPA từ bao bì, hộp chứa đi vào thức ăn, thực phẩm gọi là thôi nhiễm.
Thông qua việc sử dụng và tiếp xúc với những vật dụng này hằng ngày, cơ thể chúng ta có thể bị phơi nhiễm (là tình trạng tiếp xúc với BPA qua một hoặc nhiều đường). Những thí nghiệm trên chuột cho thấy ở liều rất thấp BPA cũng gây ra những thay đổi rất tai hại cho cơ thể. Xin liệt kê vài số liệu: 0,025 μg/kg gây ra những biến đổi ở mô tuyến vú có khả năng dẫn đến ung thư, 1 μg/kg gây ra những thay đổi một cách đảo nghịch ở hệ thống sinh sản, 2 μg/kg gây ra phì đại tuyến tiền liệt thêm 30%…
Tuy chưa có bằng chứng có sức thuyết phục song Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ vẫn quan ngại về khả năng gây hại của BPA trên não, hành vi và tuyến tiền liệt của thai nhi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng bằng thức ăn đóng hộp có nồng độ BPA trong máu lên tới 13 μg/kg/ngày, cao hơn mức bắt đầu gây những ảnh hưởng bất lợi lên sức khỏe trên chuột thí nghiệm rất nhiều. Điều đáng lo ngại là mẹ có thể truyền BPA cho con thông qua nhau thai – các nhà nghiên cứu đã định lượng được BPA ở máu cuống rốn.
Sống chung với BPA
Tháng 9-2010 Canada xếp BPA vào danh sách những chất độc. Cộng đồng chung châu Âu tuy không có quyết định mạnh mẽ như Canada nhưng cũng đưa ra tiêu chuẩn an toàn về mức dung nạp BPA là 0,05 mg/kg trọng lượng cơ thể. Ở Mỹ, cấp độ liên bang không đưa ra các tiêu chuẩn quản lý BPA mà từng tiểu bang có chính sách quản lý khác nhau như: Connecticut cấm những sản phẩm chứa thức ăn của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có chứa BPA, Minnesota và Chicago ra lệnh cấm bán các sản phẩm có chứa BPA từ sau ngày 1-1-2010.
Cho đến nay, Việt Nam chưa có quy định cũng như khuyến cáo nào về tiêu chuẩn an toàn của BPA. So với các nước phát triển thì hiểm họa BPA ở Việt Nam lớn hơn nhiều, bởi phần lớn các chất phụ gia công nghiệp đang sử dụng đều được nhập khẩu từ nhiều nguồn với chất lượng khác nhau. Người tiêu dùng hầu như biết rất ít thông tin về chất phụ gia trong những sản phẩm họ mua.
Trong lúc này hãy nghĩ đến việc tự bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân. Có vài lời khuyên của bác sĩ: phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và nhất là những bà bầu nên hạn chế sử dụng thực phẩm, nước uống đựng trong chai nhựa, lon đồ hộp đóng sẵn… Hạn chế sử dụng các vật dụng bằng nhựa để đựng thức ăn, nước uống.
Tránh rửa vật dụng bằng nhựa bằng các chất tẩy rửa mạnh và các chất tẩy rửa có tính acid. Tránh cho những hộp nhựa đựng thức ăn vào lò vi sóng để hâm.
Nên cho trẻ em bú mẹ để hạn chế việc trẻ tiếp xúc sớm với BPA từ những chiếc núm vú và bình sữa bằng nhựa. Không nên cho trẻ ăn thức ăn chế biến sẵn mà nên chế biến thức ăn tại nhà cho trẻ. Đối với trẻ lớn hơn, không nên sử dụng chén, bát, đũa, muỗng bằng nhựa để ăn uống; không cho trẻ tiếp xúc với đồ chơi bằng nhựa khi chưa biết chắc chúng không chứa BPA.
BS TRẦN HOÀI NHÂN