Virus Rota chính là thủ phạm cướp đi sinh mạng hơn nửa triệu trẻ em trên thế giới mỗi năm và là nguyên nhân gây ra hơn 2 triệu trường hợp nhập viện mỗi năm.
Virus Rota lây truyền rất dễ dàng. Hầu hết trẻ nhỏ đều bị nhiễm virus Rota trước lúc 5 tuổi, thường gặp nhất ở trẻ từ 3 tháng đến 24 tháng tuổi. Ở độ tuổi này, hệ miễn dịch và cơ quan tiêu hóa của trẻ còn non yếu nên rất dễ bị tấn công. Tại Việt Nam, tiêu chảy do virus Rota là nguyên nhân chủ yếu gây tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ, cứ hai trẻ bị tiêu chảy cấp nhập viện thì có một trường hợp là do nhiễm virus Rota.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị lây nhiễm
Virus Rota rất dễ lây lan vì lượng virus đào thải qua phân rất lớn và có khả năng tồn tại và sống dài ngày trong môi trường. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi, trên các đồ vật xung quanh trẻ như: bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, nguồn nước, các vật dụng trong gia đình,…
Virus lây lan phổ biến qua đường tiêu hóa, từ phân người bệnh trước, trong và cả sau khi tiêu chảy đã hết sẽ lan truyền lên các đồ vật trong môi trường, đặc biệt là qua bàn tay. Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, khả năng nhiễm virus Rota rất cao do trẻ thường xuyên tiếp xúc với tay người và các đồ vật bằng chính tay, miệng của trẻ. Vì vậy trẻ cần được phòng ngừa càng sớm càng tốt.
Biểu hiện và hậu quả của nhiễm virus Rota
Sau khi nhiễm Rotavirus khoảng 6 đến 12 giờ, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khởi đầu là sốt, nôn ói dữ dội có thể đến 15 lần/ngày. Sau đó trẻ bắt đầu bị tiêu chảy, phân toàn nước liên tục 10-20 lần/ngày.
Do trẻ vừa bị ói lại vừa tiêu chảy nhiều lần khiến không thể bù nước bằng việc uống nước như lúc bình thường. Lúc này, phải cho trẻ nhập viện để truyền dịch, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy do virus Rota thường rất dễ bị suy dinh dưỡng vì kém hấp thu thức ăn do ruột non bị tổn thương.
Điều trị và chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp do virus Rota
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với virus Rota. Những trẻ bị tiêu chảy cấp do virus Rota thường phải nhập viện điều trị, truyền tĩnh mạch để bù dịch (do trẻ nôn ói nhiều nên khó bù dịch bằng đường uống), hạ sốt, tiếp tục cho bú mẹ, bổ sung dinh dưỡng thích hợp như cho ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, chia làm nhiều bữa trong ngày và bù kẽm…
Trẻ đang và sau khi bị bệnh thải ra lượng rất lớn virus qua phân, vì vậy rất dễ dàng lây sang trẻ khác và người chăm sóc. Cần phải tách và chăm sóc riêng các trẻ bệnh.
Phòng ngừa tiêu chảy do virus Rota
Các biện pháp vệ sinh tiệt trừ thông thường đối với vi khuẩn và siêu vi khác như bú mẹ, cung cấp nước sạch, cải thiện vệ sinh môi trường không đủ bảo vệ trẻ khỏi bị lây nhiễm tác nhân này. Vì vậy, cách hiệu quả nhất để bảo vệ bé khỏi sự tấn công của loại virus này là chính là chủng ngừa (tiêm hoặc uống vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy).
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, hãy chủng ngừa cho tất cả trẻ em để phòng ngừa tiêu chảy cấp do virus Rota. Do bệnh thường gặp và nặng nhất ở trẻ rất nhỏ nên trẻ cần được cho uống ngừa càng sớm càng tốt. Các bậc cha mẹ có con dưới 6 tháng tuổi, hãy đưa bé đến trung tâm y tế dự phòng hoặc bệnh viện gần nhất để uống vắc-xin ngừa virus Rota.
GS TS Nguyễn Gia Khánh
Trưởng khoa Tiêu hóa – BV Nhi Trung ương