Bé Zin mới tròn 6 tháng tuổi, mẹ đã tập cho con ăn bột nấu với thịt tôm xay nhỏ. Sau khi ăn, da con bị mẩn đỏ thành từng đám trên người.
Các bé dễ bị dị ứng với hải sản
Bé Zin mới tròn 6 tháng tuổi, mẹ đã tập cho con ăn bột nấu với thịt ghẹ xay nhỏ. Sau khi ăn, da con hơi bị mẩn đỏ thành từng đám trên người. Khi mẹ sờ tay lên bề mặt da con thấy có vết sần sần, hơi cứng.
Mẹ tưởng con nóng, đem Zin đi tắm. Ai ngờ con bị lan ra khắp cả người, có vẻ ngứa lắm. Mẹ phải đưa Zin đi khám bác sỹ. Con phải thử máu và bác sỹ kết luận là bị dị ứng với các đồ hải sản. Zin phải uống thuốc kháng sinh và bôi thuốc sau cả tuần mới khỏi.
Còn cu Hoan được 16 tháng lại bị dị ứng kiểu khác. Bà ngoại mua cho mấy con tôm biển bé bé, mẹ cứ bóc lấy thịt cho con ăn. Đến đêm, con đau bụng lăn lộn gào khóc. Gần sáng, con đi ngoài hết chỗ tôm ban chiều ăn, sức khỏe có vẻ đỡ hơn. Hôm sau, mẹ thấy con ngứa, cho con đi tắm. Từ chỗ bắp chân nổi mẩn đỏ li ti. Con còn có mụn lác đác nổi vòng quanh miệng. Mụn màu đỏ bằng đầu tăm và nổi hẳn lên da và hâm hấp sốt.
Đi khám bác sỹ, mẹ mới biết con bị dị ứng thức phẩm chứ không phải sốt phát ban.Cả nhà được một phen phát hoảng.
Ứng phó khi con bị dị ứng với đồ biển
Cá biển và hải sản là những thực phẩm quý, giàu chất dinh dưỡng nhưng cũng là nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất trong số các trường hợp dị ứng sau khi ăn uống. Có rất nhiều loại hải sản có thể gây dị ứng cho người có thể tạng đặc biệt không hợp với chúng từ các loại tôm, cua, ghẹ… cho đến những loại cá biển như cá nhám, cá hồi, cá ngừ… Các bé dưới 2 tuổi rất dễ bị dị ứng hải sản.
Một số biểu hiện con bị dị ứng với hải sản mẹ có thể dễ dàng nhận ra ngay.
Con bị tổn thương ở da như nổi mề đay hoặc đỏ bừng mặt, phù mạch và tình trạng nặng của bệnh chàm. Một số trường hợp gây ra các triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau quặn bụng và tiêu chảy dễ nhầm với tình trạng rối loạn tiêu hóa hay nhiễm độc thức ăn.
Nguy hiểm nhất là một số trường hợp, dị ứng có thể ảnh hưởng tới đường hô hấp gây khó thở. Các biểu hiện về hô hấp thường nặng hơn như viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen và phù nề thanh quản gây khó thở nhiều khi rất dữ dội. Trong một số ít trường hợp dị ứng thực phẩm có thể gây sốc phản vệ và gây tử vong, nhất là ở những trẻ em dưới 2 tuổi.
Có khi bị dị ứng, bé chỉ có biểu hiện rất mơ hồ và nhẹ nhàng như thái độ chán ghét thức ăn, thay đổi khí sắc sau khi ăn…
Để đề phòng cho con không dị ứng thức ăn hải sản, mẹ nên cho con ăn hải sản khi con được hơn 1 tuổi và ăn từng ít một để kiểm tra phản ứng của cơ thể. Nhiều mẹ khi cho con ăn hải sản, thấy con ăn ngon miệng, mẹ liền cho con ăn bao nhiêu cũng được. Đó là nguyên nhân phổ biến nhất gây dị ứng hải sản ở trẻ.
Nếu con không bị dị ứng với đồ ăn hải sản, mẹ nên tăng dần lượng hải sản cho con theo từng bữa. Cũng không nên cho con ăn hải sản quá nhiều bữa trong một tuần.
Nếu không may con bị dị ứng với hải sản, cách tốt nhất là làm thế nào để con có thể nôn hoặc đi ngoài ra lượng thức ăn đó càng sớm càng tốt. Trong một số trường hợp nặng, mẹ nên đưa con đi bác sỹ để được khám và chữa trị kịp thời. Khi con bị dị ứng, mẹ không nên sử dụng bừa bãi các loại thuốc chống dị ứng mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
Theo lời khuyên của các bác sĩ dinh dưỡng, một trong những cách đơn giản mà hữu hiệu nhất để trẻ hạn chế bị dị ứng thức ăn (hoặc có thể dễ dàng truy tìm dấu vết dị ứng thức ăn khi có bất kỳ dấu hiệu lạ nào xảy ra với bé) là các bà mẹ nên ghi nhật ký bữa ăn cho trẻ. Việc theo dõi từng loại thức ăn của bé còn giúp điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho hợp lý.