Nhu cầu chất sắt tăng vọt trong khi mang thai nên phải lưu ý đến các thực phẩm giàu chất sắt và dùng kèm với các thực phẩm cung cấp vitamin C để tăng hiệu quả hấp thu
Ba tháng đầu thai kỳ, thai phụ chỉ cần tăng 1 kg – 2 kg là được, đến 3 tháng tiếp phải lên 4 kg-5 kg và tăng tốc 3 tháng cuối lên 5 kg-6 kg. Muốn tăng cân, cần cung cấp đủ lượng và chất để thai nhi có được các chất dinh dưỡng cần thiết.
Đồ hộp không chứa đủ chất dinh dưỡng cho thai phụ
Ưu tiên rau, quả giàu canxi, sắt
Các vitamin và khoáng chất cần thiết cho phụ nữ mang thai:
Nếu chế độ dinh dưỡng không đáp ứng đủ thì nhất thiết bà bầu phải bổ sung các loại vitamin nói trên qua thuốc bổ. |
Thai phụ cần ăn tăng thêm 1/2 chén cơm (hay chất bột đường khác như bún, phở, hủ tiếu, mì, nui, khoai củ…) cho mỗi bữa ăn, 2 ly sữa mỗi ngày và ăn thêm 1-2 bữa phụ ngoài 3 bữa chính với các loại bánh, trái, sữa chua. Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, tôm, cua, trứng, các loại đậu, phô mai.
Cần tăng thêm 15 g đạm – tương đương 70 g – 80 g thịt, cá/ngày. Chất béo từ dầu, mỡ, bơ, hạt nhiều dầu như mè, đậu phộng, đậu nành… cung cấp rất nhiều năng lượng và giúp hấp thu các loại vitamin tan trong chất béo quan trọng như A, D, E, K. Ăn cá rất tốt cho cả mẹ và con, nhất là các loại cá biển béo.
Nhu cầu chất canxi của thai phụ tăng rất cao, gấp 2 – 3 lần so với bình thường (lên đến 1.000 mg – 1.500 mg calcium/ngày) nên cần được cung cấp qua 2 ly sữa, 2 miếng tàu hũ lớn, 100 g – 200 g cá nhỏ nguyên xương hay tôm tép nguyên vỏ, 50 g mè.
Nhu cầu chất sắt cũng tăng vọt nên phải lưu ý đến các thực phẩm như huyết, gan, trứng, thịt, cá. Nên dùng kèm với các thực phẩm cung cấp vitamin C như rau, trái cây để tăng hiệu quả hấp thu sắt. Cần sử dụng muối iốt thay cho muối thường để phòng tránh trẻ suy tuyến giáp bẩm sinh, đần độn, thiểu năng trí tuệ. Các thực phẩm giàu kẽm như gan, hải sản như hàu… rất cần thiết.
Vitamin B12 giúp tạo máu và duy trì hệ thống thần kinh, có nhiều trong thịt, cá, sữa và chế phẩm của sữa… Các loại vitamin quan trọng khác như vitamin A, B, C, D cần được cung cấp qua chế độ ăn giàu rau, củ, trái cây tươi và tắm nắng buổi sáng 15-20 phút/ngày.
Xử trí các “khó chịu”
Trong thai kỳ, các bà mẹ thường gặp một số diễn biến “khó chịu” sau đây:
– Ốm Nghén: Biểu hiện là buồn nôn và nôn ói đầu thai kỳ. Lúc này cần chia nhỏ bữa ăn, không để bụng đói quá, tránh thực phẩm có mùi gây buồn nôn, thức ăn chiên xào khó tiêu. Không đi nằm ngay sau khi ăn. Dùng bánh mì khô, bánh quy và nghỉ ngơi một lúc sẽ giúp chống nôn.
– Khó thở: Thường xuất hiện cuối thai kỳ khi gắng sức hoặc nói chuyện và lúc nằm ngủ. Thai phụ nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, tối ngủ kê thêm gối. Nếu khó thở thường xuyên và kéo dài nên đến bác sĩ khám.
– Vọp bẻ, tê tay chân: Thường gặp do thiếu canxi. Thai phụ có thể xoa bóp bắp chân, bàn tay, uống thêm sữa hoặc ăn tôm nguyên vỏ, cá nhỏ nguyên xương.
– Táo bón: Uống đủ 6-8 ly nước mỗi ngày; ăn nhiều rau, khoai, củ, trái cây, tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn. Tránh dùng thuốc xổ.
Thực phẩm cần tránh
Trong thời kỳ mang thai, một số thực phẩm sau đây nên tránh vì không có lợi cho cả mẹ và thai nhi: Các chất kích thích mạnh (trà đặc, cà phê, rượu bia…); thực phẩm chế biến (thịt hộp, cá hộp, xúc xích…) vì không chứa nhiều chất dinh dưỡng như đồ tươi sống, hơn nữa còn chứa chất bảo quản, phẩm màu, lượng muối cao; đường tinh (bao gồm cả bánh ngọt, chè, mứt, nước ngọt…) vì cung cấp năng lượng rỗng không kèm các dưỡng chất thiết yếu và có thể làm thai phụ tăng cân quá nhanh.
Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM)