Những ngày giáp Tết đến gần, chị em bầu bí vừa tranh thủ hoàn thành công việc cơ quan nhưng cũng cập rập chuẩn bị “tích trữ” thực phẩm để mâm cơm gia đình ngày cuối năm được tươm tất. Không những thế trong những ngày nghỉ dài vui xuân đôi khi chị em cũng lơ là chuyện ăn uống mà quên mất việc mình vẫn đang là bà bầu. Cùng chúng tôi tìm hiểu một số các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng thường gặp đối với mẹ bầu trong những ngày Tết. Hãy là mẹ bầu thông thái và lưu ý những nguy cơ tiềm ẩn trong một số loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi đưới đây:
Thực phẩm chế biến sẵn
Do tính tiện lợi và nhanh gọn, nhiều chị em đã không ngần ngại lựa chọn các thực phẩm chế biến sẵn có trong siêu thị với tâm lý “Mình đang mệt mỏi với cái bụng bầu thì đây là một giải pháp cứu cánh phù hợp nhất”. Trên thực tế, đa số nhóm thực phẩm này đều chứa chất hóa chất nhằm mục đích tăng hương vị, tạo màu và kéo dài thời gian bảo quản.
Mẹ bầu cần đọc kỹ hạn sử dụng trên bao bì, thành phần các chất phụ gia sử dụng cho sản phẩm đó. Tốt nhất là không nên mua các sản phẩm có rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi thành phần nguyên liêu.
Bên cạnh đó, chị em cần tránh sử dụng các thực phẩm có chứa nhiều muối, đồ chua cay hoặc nhiểu bọt ngọt. Các chất này có thể gây giữ nước dần đến tình trạng phù nề hoặc đau đầu cho bà bầu.
Thực phẩm có khả năng bảo quản dài ngày
Một số loại thực phẩm có khả năng bảo quản dài ngày như thịt hun khói, phô mai, xúc xích, thực phẩm ngâm muối, dấm… có chứa nhiều ni-trát gây ra hiện tượng phản ứng với huyết sắc tố trong tế bào máu, từ đó làm giảm khả năng chuyên chở oxy của máu.
Nguy cơ nhiễm khuẩn Listeria
Trong quá trình mang thai, cơ thể phụ nữ có sức đề kháng yếu hơn bình thường vì vậy rất dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn, vi rút đặc biệt là thông qua việc ăn uống.
Các loại thực phẩm như phô mai mềm, sữa chưa tiệt trùng, pa tê, thịt hun khói, nem chua, thịt chưa nấu chín đều chứa nguy cơ nhiễm khuẩn Listeria.
Thông thường loại vi khuẩn này sẽ bị tiêu diệt khi thức ăn được nấu chín ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên sau khi nấu xong, thức ăn lại để đông lạnh thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi nảy nở và tiếp tục tấn công chúng ta.
Đây cũng là thói quen dự trữ thực phẩm thường có của người Việt, đặc biệt là việc tích trữ nhiều đồ ăn trong những ngày nghỉ Tết kéo dài.
Triệu chứng
Khi bị nhiễm khuẩn Listeria, người bệnh có triệu chứng rất giống bệnh cảm cúm:sốt cao, nhức đầu, chóng mặt, đau cổ họng, tiêu chảy và đau bụng. Nguy cơ khi mẹ bầu nhiễm loại khuẩn này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng khiến thai chết non, sẩy thai nhiều lần.
Nhiễm khuẩn Toxoplasmosis
Loại khuẩn này thường xuất hiện trong thịt lợn, thịt bò chưa được chế biến kỹ, nấu chín hoặc thông qua một cách nào đó con vật đó hoặc thực phẩm đó đã tiếp xúc với chó mèo nhiễm khuẩn.
Chị em nên cân nhắc lựa chọn nguồn gốc thịt, tránh sử dụng các đồ ăn tái. Qúa trình sơ chế thực phẩm cũng lưu ý để bảo đảm vệ sinh.
Nhiễm khuẩn Salmonella
Vi khuẩn này thường có nguồn gốc từ thịt gà và trứng. Trong quá trình chế biến đồ ăn mẹ bầu nên nấu chín và tránh ăn trứng gà lòng đào.
Triệu chứng
Bệnh nhân nhiễm bệnh thường là đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, sốt và run người. Trường hợp này cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám vì có thể lây sang đường máu, khi đó sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe của thai nhi.
Các loại đồ uống có chất kích thích
Ngày Xuân vui vẻ, các gia đình thường tổ chức nhiều bữa tiệc liên hoan ăn uống, trong đó không thể thiếu các loại đồ uống có chứa chất kích thích như rượu, bia. Mẹ bầu cần tránh xa các loại đồ uống nguy hiểm này.
Cà phê, trà xanh, sô cô la cũng chứa chất kích thích chị em cần hạn chế trong thời gian mang thai.
Các loại đồ uống có ga, nước ngọt chứa đường cũng thuộc danh sách mẹ bầu phải hạn chế.
An toàn vệ sinh thực phẩm
Để mẹ bầu vui đón Xuân nhưng vẫn giữ phong độ sức khỏe tốt cho bản thân và cả gia đình chị em cần lưu ý một số vấn đề để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
– Dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ không gian bếp, sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng và thường xuyên vệ sinh dụng cụ làm bếp.
– Không để chung trứng và thịt sống cùng các loại thực phẩm khác.
– Chỉ sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc từ sữa đã qua tiệt trùng cẩn thận.
– Hâm nóng thức ăn cẩn thận và chỉ nên đun nóng lại 1 lần.
– Loại bỏ các loại đồ ăn đóng hộp có dấu hiệu rỉ sét, móp, méo và các loại thức ăn đã xuất hiện mùi lạ.
– Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và chế biến thực phẩm sống.