Gia đình tương đối đầy đủ về vật chất, bố mẹ mời thầy giỏi về tận nhà kèm cặp nhưng không hiểu sao 2 cháu sinh đôi nhà chị Hồng (32 tuổi, Hà Nội) luôn có kết quả học tập kém hơn các bạn trong lớp.
Chị Hồng cho hay hai cháu khi sinh ra không có dấu hiệu của bất cứ bênh tật bẩm sinh nào. Đủ cân, không dị tật, chăm sóc các cháu, chị cẩn thận từng li từng tí. Hai cháu trai đích tôn, cả họ quan tâm từ chuyện ăn ngủ đến học hành.
Chị cũng chia sẻ, hai cháu từ nhỏ hay bị ốm vặt, cảm sốt, viêm họng nên gia đình rất hạn chế trong việc cho hai cháu ăn lạnh, uống lạnh. Chăm sóc cẩn thận là thế, nhưng không rõ vì sao “học hành chẳng bằng bạn bằng bè”. Hai cháu biết nói chậm hơn. Đi học, các cô giáo cũng thường phải kèm cặp nhiều hơn trong việc học đọc, học toán.
Gia đình đưa hai cháu đến bệnh viện để nghe tư vấn của bác sĩ. Nhìn thấy bao thuốc lá lờ mờ trong túi áo của chồng chị Hồng, bác sĩ hỏi: “Mỗi ngày cậu hút bao nhiêu?”. Anh thật thà: “Mỗi ngày em hút một bao, nhưng lúc ở gần các cháu em có dám hút đâu?”
Hút thuốc dù rất ít cũng ảnh hưởng đến quá trình đọc và tính toán ở trẻ em.
Không chỉ có chồng chị Hồng mà rất nhiều ông bố, bà mẹ khác cũng cùng chung suy nghĩ chỉ cần ở bên cạnh con, mình không hút là được. Đến khi tìm hiểu kĩ, ai cũng ngỡ ngàng.
Khói thuốc có thể lưu lại trong không khí từ 1 đến 2 giờ ngay cả khi không nhìn thấy, hay không ngửi thấy mùi. Ba mẹ hút thuốc trong phòng riêng, ngoài sân, phòng khách…, trẻ con hiếu động chạy qua chơi là chuyện bình thường. Hít phải khói thuốc còn lưu lại trong không khí, hay còn gọi là hút thuốc lá thụ động, là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc trẻ kém tiếp thu. Một lượng nhỏ khói thuốc trong nhà thôi cũng đủ để ảnh hưởng đến quá trình đọc và tính toán ở trẻ em.
Ông David Liewellyn thuộc trường ĐH Cambridge cho biết, hít phải khói thuốc do người khác hút sẽ làm suy yếu các chức năng của dây thần kinh nhận thức như trí nhớ và khiến nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt cao hơn gấp 3 lần những người không sống trong gia đình có người hút thuốc lá.
Nếu phơi nhiễm lâu dài, trẻ em có thể chết vì ung thư và các bệnh do thuốc lá khác, hoặc bị vô sinh trong tương lai. Thai phụ hít nhiều khói thuốc sẽ có thể sảy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân hoặc chậm phát triển. Hút thuốc lá thụ động cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh mù lòa. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường ĐH Cambridge (Anh).
Một điều tra cho thấy hơn 60% trẻ em tại Việt Nam ở độ tuổi 13-15 đã tiếp xúc với khói thuốc tại nhà. Để đảm bảo sức khỏe cũng như khả năng học tập cho con em mình, các bậc phụ huynh cần phải chú ý không để các em tiếp xúc với khói thuốc lá. Biện pháp tốt nhất đó là hãy bỏ thuốc lá để các bé có môi trường phát triển bình thường và khỏe mạnh.