Một bà ngoại bồng cháu trai đến khám, em bé 3 tuổi rất hiếu động nhưng vẫn chưa biết nói. Bà than phiền với chúng tôi: “Bé chỉ chưa nói chứ thông minh lắm, nóigì cũng hiểu, không biết tại sao bác sĩ bên bệnh viện Nhi lại giới thiệu sang đây khám”. Sau khi làm các test kiểm tra thính giác xong thì bé này thật sự bị điếc sâu, cần phải trợ thính ngay vì 3 tuổi mới trợ thính là hơi muộn.
Nghĩ nhầm là bé nghe được
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới khiếm thính bị phát hiện muộn. Khi sinh con ra thấy con không bị khiếm khuyết gì là ba mẹ thường yên tâm, nghĩ con không bị dị tật. Nhưng có những khiếm khuyết không nhìn thấy ngay được như khiếm thính. Nhiều bà mẹ nói với bác sĩ: con tôi khi sinh ra nghe được, nó khóc lớn lắm. Chuyện khóc lớn và nghe là 2 chuyện khác nhau, không hiểu sao khi hỏi về bệnh sử thì việc bé khóc lớn được hầu hết các bà mẹ đưa ra để chứng minh con mình nghe được. Bé nghe được hay không nghe được khi đói, khi tè… đều khóc cả.
Khi bị khiếm thính thì bé thường được bù trừ bằng những giác quan khác nhạy hơn như: nhìn, xúc giác… vì vậy, bé nhanh chóng hiểu được qua vẻ mặt, hành động và môi mấp máy của người thân muốn bé làm gì. Chính điều này làm chúng ta ngỡ bé nghe được.
Cách phát hiện
Ở nhà, muốn biết sơ bộ bé nghe hay không thì phải tạo tiếng động thử ở sau lưng bé không được cho bé biết. Nếu bé có phản ứng quay lại tìm nguồn phát âm thì là bé có nghe, nếu không thì nên đưa bé đi khám.
Hiện nay, một số bệnh viện phụ sản đã sử dụng nghiệm pháp đo âm ốc tai (OAE) để tầm soát khiếm thính trẻ sơ sinh. Khi sinh con, trước khi rời nhà bảo sinh, các mẹ nên cho con làm nghiệm pháp đo này. Tuy nhiên, nghiệm pháp này cũng không loại trừ được 100% điếc bẩm sinh, vì nó chỉ chẩn đoán được các trường hợp điếc bẩm sinh do ốc tai, còn không chẩn đoán được trường hợp điếc bẩm sinh sau ốc tai. May thay trong điếc thần kinh bẩm sinh thì 85% là điếc do ốc tai và chỉ có 15% là điếc sau ốc tai.
Ở Việt Nam, các cơ sở sản khoa trang bị máy đo OAE để tầm soát khiếm thính trẻ sơ sinh chưa nhiều, vì vậy nhiều cháu bị khiếm thính không được phát hiện sớm. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo trẻ sinh ra từ 0 – 3 tuổi phải được kiểm tra thính lực ít nhất 1 lần, đặc biệt với các cháu có biểu hiện nói ngọng, chậm nói hoặc không phản ứng với tiếng động.
BS. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY