Trong khi hầu hết trẻ sơ sinh đều có thể ăn nhiều thực phẩm khác nhau mà không gặp bất kỳ rắc rối nào, một số ít trẻ nhỏ lại bị dị ứng thức ăn. Dị ứng thức ăn tưởng chừng không có gì nguy hiểm nhưng lại có thể gây tử vong. Do đó, các bậc cha mẹ nên làm quen với các triệu chứng cũng như tìm hiểu cách điều trị khẩn cấp khi bé bị dị ứng.
Dấu hiệu của dị ứng thực phẩm
Khi một người ăn phải một loại thức ăn gây dị ứng, cơ thể sẽ sản xuất ra một kháng thể gọi là IgE. Nếu vẫn tiếp tục ăn thực phẩm này vào những lần sau, các kháng thể sẽ chỉ đạo hệ thống miễn dịch sản xuất ra các chất hóa học, trong đó có amin histamine (chất gây ra các triệu chứng dị ứng mà chúng ta vẫn thường thấy).
Cơ thể phản ứng với các thực phẩm gây dị ứng có thể nhanh hoặc chậm, sau vài phút, thậm chí vài giờ. Các triệu chứng thường biểu hiện nhẹ và mãn tính hơn là xuất hiện đột ngột, tuy nhiên, triệu chứng dị ứng ở mỗi người khác nhau.
Dị ứng không phải là bệnh di truyền. Tuy nhiên, nếu một trong 2 người (bố hoặc mẹ) bị dị ứng, nguy cơ dị ứng ở các con là 50%; nếu cả bố và mẹ bị dị ứng, nguy cơ dị ứng ở con cái lên đến 75%.
Triệu chứng
Triệu chứng dị ứng thức ăn ở trẻ sơ sinh có thể là phát ban, chàm mãn tính hoặc khó thở. Với một số trẻ, triệu chứng thể hiện ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn mửa).
Những phản ứng nặng hơn có thể gây tử vong, do đó bố mẹ không nên coi nhẹ triệu chứng dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ. Cha mẹ phải hướng dẫn cho những người trông trẻ biết những thực phẩm mà trẻ bị dị ứng. Những thực phẩm bị cấm này cũng có thể là thành phần chứa trong những sản phẩm khác, do đó cần đọc kỹ thông tin ghi trên bao bì trước khi mua sản phẩm.
Ví dụ như, trẻ bị dị ứng với trứng thì không nên ăn trứng cũng như các sản phẩm khác có chứa trứng (bánh quy trứng).
Chất gây dị ứng thường gặp
Hầu như bất kỳ thực phẩm nào cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây dị ứng. Dưới đây là những chất phổ biến gây dị ứng ở trẻ sơ sinh:
- Trứng
- Sữa
- Lúa mì
- Đậu tương
- Đậu phộng
- Cây quả hạch ( hạt điều, quả óc chó và quả hạch Brazil)
- Cá (cá tuyết, cá hồi, cá ngừ)
- Động vật có vỏ (như cua, tôm hùm, tôm)
Xử lý khẩn cấp khi trẻ bị dị ứng
Dị ứng thức ăn không đơn giản như nhiều bố mẹ vẫn nghĩ . Một số trẻ phản ứng mạnh có thể nguy hiểm đến tính mạng. Cha mẹ cũng như người trông trẻ phải được cảnh báo về triệu chứng và được hướng dẫn cách điều trị khẩn cấp để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Trong trường hợp bố mẹ phải đi ra ngoài và giao bé cho ông, bà hoặc người giúp việc trông hộ, bố mẹ nên làm theo những điều sau: để một bản hướng dẫn cách xử lý khi trẻ bị dị ứng ở nhà và liệt kê sẵn những số điện thoại cần thiết có thể gọi để xin được giúp đỡ.
Phân biệt dị ứng thực phẩm với không dung nạp thực phẩm
Đôi khi phản ứng khó chịu với một số loại thực phẩm xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không hẳn là dị ứng, đó là triệu chứng không tiêu hóa được thực phẩm. Nguyên nhân của triệu chứng này có thể là do cơ thể không có khả năng tiêu hóa một số thành phần nhất định của loại thức ăn đó, nó không liên quan đến phản ứng của hệ miễn dịch. Triệu chứng này không nguy hiểm đến tính mạng.
Không dung nạp Lactose là một ví dụ điển hình của triệu chứng này. Các bác sĩ nhi khoa sẽ giúp bạn xác định bé bị dị ứng thức ăn hay chỉ đơn thuần là không dung nạp thức ăn.
Phòng ngừa và điều trị
Các chuyên gia khuyên rằng, cha mẹ nên tránh cho trẻ tiếp xúc với những thực phẩm dễ gây dị ứng. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tự hạn chế nguy cơ dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ bằng cách nuôi con bằng sữa mẹ (với những bé có bố mẹ bị dị ứng thực phẩm, điều này càng cần thiết).
Dị ứng thời tiết có thể được điều trị bằng thuốc tiêm, tuy nhiên, không có thuốc đặc trị đối với dị ứng thực phẩm. Tránh ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng là cách duy nhất để đảm bảo trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khỏi các triệu chứng của bệnh.
Cha mẹ nên được tư vấn để hiểu rõ hơn về triệu chứng dị ứng này ở trẻ nhỏ, đồng thời phải đọc kỹ các thành phần bao gồm của thực phẩm (có ghi trên bao bì) mỗi khi mua thực phẩm chế biến món ăn cho con trẻ.
Hạnh đã bình luận
Mong MYC tư vấn !
Bé nhà mình được 25 tháng.Khoảng chừng 3 bữa nay,cứ gần tối là bé lại kêu ngứa ở hậu môn.bé vẫn chơi và ăn uống bình thường.mình muốn hỏi có phải bé nhà mình bị giun phải k ? Ở tuổi bé nhà mình đã sổ giun được hay chưa ?
Meyeucon.org đã bình luận
Nhiều khả năng bé nhà bạn bị nhiễm giun kim. Ở tuổi này bạn có thể tẩy giun cho bé được rồi và có thể tẩy định kỳ 6 tháng 1 lần. Nhưng bạn cần lưu ý là cần phải có chế độ vệ sinh sạch sẽ để tránh tái nhiễm vì thường trẻ con hay nghịch bẩn, móng tay có thể dính trứng giun và gây tái nhiễm. Khi tẩy giun trẻ không cần nhịn đói hay ăn kiêng, cũng có trường hợp có phản ứng phụ (nhẹ) như đau bụng,buồn nôn, tiêu chảy nhưng thường không nguy hiểm. Bạn có thể xem bài viết sau nhé –> Tẩy giun cho bé và những lưu ý