Bình thường, miệng của trẻ 1-2 tuổi không có mùi hôi mà chỉ có mùi sữa. Chính vì vậy mà khi thấy miệng bé có mùi hôi, thì cha mẹ phải đặc biệt chú ý, bởi đây có thể là một số triệu chứng của một căn bệnh nào đó.
Bệnh đầu tiên bé có thể mắc là viêm lợi. Thứ 2 là các bệnh liên quan tới tiêu hoá. Nếu như bé chỉ ăn thịt, trứng, sữa mà không ăn rau và hoa quả thì sẽ bị táo bón, dẫn đến miệng có mùi hôi.
Ngoài ra, chảy máu cam cũng dẫn tới hôi miệng vì máu dính lại trong mũi và trở thành nơi để vi khuẩn sinh sôi nảy nở, nên hơi thở có mùi hôi.
Những trẻ em mắc bệnh đái tháo đường typ-1, do máu không bình thường nên trong miệng thường có mùi như mùi táo thối. Những trẻ em bị ngộ độc, miệng sẽ có mùi hôi rất đặc biệt.
Các chuyên gia khuyến cáo, sau khi bé mọc răng, cha mẹ có thể lấy bông hoặc vải mềm quấn vào đầu ngón tay, cho vào miệng để lau răng cho bé hàng ngày. Mỗi khi bé ăn xong, cho bé uống mấy thìa nước ấm cũng có tác dụng như súc miệng.
Khi bé lên 2 tuổi là đã phải bắt đầu hướng dẫn bé tập súc miệng là phải súc mấy lần rồi mới nhổ ra, chứ không phải chỉ ngậm nước trong miệng. Bé được khoảng 3 tuổi là phải tập đánh răng. Những liệu pháp này để bảo vệ răng, tránh hôi miệng và tránh các bệnh răng miệng, mũi họng cho trẻ.
BS. Nguyễn Thu Hà