Hẳn là nếu không vì một vài lý do bất khả kháng thì bạn vẫn mong có con sau kết hôn bởi con cái là “của cải” quý giá nhất mà vợ chồng bạn có được, là chất keo kết dính tình yêu của hai người. Nhưng đợi khá lâu rồi mà vẫn chưa có tin vui, đừng quá nôn nóng, hãy tập trung vào những điều dưới đây.
1. Tăng cường nhịp điệu “phòng the”
Có quá nhiều cặp vợ chồng hiện đại dành thời gian cho công việc quá nhiều. Khi trở về, họ kiệt sức đến mức chẳng còn quan tâm đến nhau nữa, thưa dần chuyện gối chăn.
Hơn nữa, người vợ do tác dụng phụ của thuốc ngừa thai trong một thời gian dài nên không biết chắc chắn mình có thể có con hay không dù họ vẫn dùng thuốc đều đặn trong nhiều năm. Tốt nhất là hãy ngưng thuốc ngừa thai và tập trung sinh hoạt gối chăn khoảng 3 – 4 lần/tuần.
2. Giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh
Thật dễ dàng để có thói quen xấu cho việc ăn uống, nhưng nếu bạn biết cách giữ cho cơ thể khỏe mạnh thì chắc chắn bạn sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Khoảng ba tháng trước khi bạn bắt đầu cố gắng có bé thì nên bắt đầu xem xét liệu các thực phẩm trong thực đơn của hai vợ đã hợp lý chưa?
Hãy loại bỏ ngay nhóm thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh nhiều chất béo và đường như khoai tây chiên, bánh ngọt. Thay vào đó là nên ăn nhiều trái cây tươi và rau củ.
Tăng cường lượng protein trong thịt gà và cá vì nó giúp sản xuất trứng cho cơ thể người vợ, tuy nhiên nên cắt giảm thịt đỏ và chất béo không bão hòa.
Thực đơn của bạn cũng cần bổ sung thêm các món có acid folic cao trong tự nhiên, chẳng hạn như rau lá xanh, hạt ngũ cốc, cá hồi và bơ thực vật. Folic acid giúp phôi thai phát triển bình thường và cũng có thể cải thiện tinh trùng của chồng bạn.
Một dưỡng chất quan trọng nữa là axit béo thiết yếu (DHA) sẽ giúp cân bằng hormone cải thiện sức khỏe của các chú tinh binh, do đó nên bổ sung dầu cá trong chế độ ăn mới của bạn.
Uống ít nhất hai lít nước mỗi ngày bởi vì nó cần thiết để làm cho tinh trùng, tinh dịch, màng tế bào và chất nhờn cổ tử cung hoạt động tốt hơn.
Hãy bổ sung vitamin và khoáng chất có chứa kẽm và selen giúp cân bằng nội tiết tố.
Giảm cân thêm nếu bạn đang thừa cân vì nó có thể cản trở sự rụng trứng.
3. Những thứ nên tránh
Tránh dùng trà, cà phê, đường và cắt giảm rượu. Cắt bỏ thuốc lá và bất kỳ loại thuốc khác.
Hạn chế dùng thuốc tây nếu không được kê toa vì sẽ ảnh hưởng đến chất nhầy cổ tử cung và mất cân bằng nội tiết tố.
4. Thay đổi lối sống
Tập thể dục sẽ giúp duy trì trọng lượng lẫn sức khỏe của bạn, cơ thể sẽ thoải mái hơn vì sự trao đổi chất được lưu thông. Các cơ quan trong cơ thể cần được vận động ít nhất 20 phút/ ba lần/ tuần.
Stress có thể là một rào cản thực sự để có thai vì ảnh hưởng đến hormone cũng như giảm đi nguồn dự trữ Vitamin B và kẽm của cơ thể. Nên cân bằng lối sống, giải quyết các mâu thuẫn, ngâm mình trong bồn tắm nước nóng lâu trước khi ăn tối, nghe nhạc hay tìm kiếm một lớp học yoga là gợi ý của các chuyên gia.
5. Một cuộc tổng kiểm tra khả năng sinh sản
Nếu bạn nghĩ rằng bạn gặp vấn đề đối với việc mang thai thì nên kiểm tra ngay vì càng phát hiện sớm, chữa trị sớm thì xác suất mang thai càng cao và ngược lại.
Ví dụ nếu bạn luôn luôn có chu kỳ kinh nguyệt không đều, hoặc bạn có một chu kỳ ngắn hoặc dài đặc biệt – chẳng hạn ngắn hơn 25 ngày hoặc dài hơn 31 thì tốt nhất nên kiểm tra sức khỏe.
Nắm rõ lịch sử mang thai sinh nở của mẹ và những bà con cùng dòng máu có tiền sử bị vô sinh hoặc gặp vấn đề với tuyến yên, tuyến giáp, buồng trứng…
Loại trừ các bệnh nhiễm khuẩn như chlamydia. Đây là một căn bệnh lây qua đường tình dục ảnh hưởng đến hàng ngàn người, nhưng lại không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Vì thế nó tồn tại lâu trong cơ thể và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của bạn bởi vì nó có thể làm tắc ống dẫn trứng và ngăn không cho tinh trùng đến trứng.
Và cuối cùng là nếu những nỗ lực của bạn vẫn chưa có kết quả thì bạn cũng đừng quá lo buồn bởi có rất nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại mà bạn có thể áp dụng để chào đón thiên thần nhỏ của mình.