Một số cha mẹ mua cho con rất nhiều đồ chơi: vào sinh nhật, ngày Tết hay những dịp lễ quan trọng. Nhưng không phải ai cũng biết chọn đồ chơi tốt nhất hợp với giai đoạn phát triển của bé, cũng như khiến bé hứng thú.
Chuyên gia Jennifer Fogo (đến từ trường Đại học ở Indianapolis) đưa ra vài lời khuyên chọn đồ chơi kích thích trí não và phát triển cho bé:
Nguyên tắc cơ bản
Với những bé tuổi mẫu giáo, đồ chơi nên quen thuộc và không quá đắt đỏ ví dụ như bút màu, khối xếp hình, vừa kích thích sáng tạo, vừa giúp phát triển 5 kỹ năng.
Hãy xem xét đến đồ chơi kéo – đẩy cho bé (1-2 tuổi) – giai đoạn cần phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc. Thú nhồi bông cũng là công cụ học hỏi đắc lực vì nó giúp hỗ trợ cảm xúc cho bé.
Video, những trò game điện tử có thể ảnh hưởng đến hành vi, cũng như sự năng động của bé và không được khuyến khích.
Sách là sự lựa chọn đáng giá cho bé ở nhiều độ tuổi. Ban đầu, cha mẹ chỉ vào hình và dẫn truyện cho bé. Về sau, bé sẽ tự lật trang sách và kể lại cho mẹ.
Đơn giản
Tránh đồ chơi kết cấu phức tạp cho bé còn nhỏ tuổi vì giai đoạn đó, bé đang học những điều cơ bản. 6-12 tháng là thời điểm bé có kỹ năng với, chộp, cầm, nắm đồ vật tốt nhưng phần lớn bé vẫn chưa quen với kỹ năng thả – khả năng cho phép bé thả đồ vật vào một vị trí đặc biệt về sau.
Bút chì màu hay đồ chơi cho bé nhũ nhi cần dễ dàng khi bé cầm nắm nhưng do bé còn khó khăn khi điều khiển chúng nên cha mẹ cần hướng dẫn cho bé.
Đồ chơi hợp với từng giai đoạn phát triển
Bé sơ sinh: Đồ chơi phát triển các giác quan rất phù hợp với bé. Đồ chơi treo nôi cũi có ích cho thị giác; đồ chơi nhiều chất liệu để bé nắm vào; thảm, lều đồ chơi cung cấp các hoạt động đa dạng (bé được nằm sấp nhiều hơn); đồ chơi rung lắc có ích cho thính giác.
3-6 tháng tuổi: Giai đoạn này, bé càng ngày càng năng động. Đồ chơi phù hợp là đồ chơi ngậm cho bé mọc răng, sách mềm để bé thỏa mãn khám phá với tay và miệng.
6-9 tháng tuổi: Khi bé bắt đầu biết ngồi, bạn nên xem xét đồ chơi giúp bé phát triển các kỹ năng như bò và đi.
Giai đoạn chập chững: Đồ chơi để trèo, đẩy, kéo, cưỡi lên thúc đẩy kỹ năng vận động. Quả bóng để bé ôm và đá, đường hầm để bé bò qua là những gợi ý thú vị.
Những loại đồ chơi này “lớn lên” cùng bé cho đến tuổi chuẩn bị đi mẫu giáo. Còn ở tuổi mẫu giáo, đồ chơi phối hợp tay mắt là chọn lựa hoàn hảo. Ô chữ, khối hình mềm, đồ chơi xây dựng, đồ chơi lắp ghép… là hợp nhất.
“Nghiên cứu” trước khi mua
Nếu bạn chưa chắc về loại đồ chơi chuẩn bị mang về nhà, có thể chia sẻ với những mẹ có con cùng độ tuổi để tìm kinh nghiệm.
Trước khi mua sắm, nên dành thời gian nghiên cứu về các hãng sản xuất và thể loại đồ chơi họ đưa ra thị trường. Tham khảo website của nhà sản xuất, xem những sản phẩm mới và gọi điện hỏi nếu còn băn khoăn.