Vì sao bà mẹ mang thai cần quan tâm nhiều đến việc bổ sung chất kẽm? Đó là do chất kẽm khó hấp thu và dễ dàng bị đào thải. Bà mẹ thiếu kẽm sẽ có những biểu hiện như nôn ói kéo dài, kèm những rối loạn thai nhi như: dị dạng bào thai, giảm cân nặng, giảm chiều cao của trẻ.
Sự thiếu kẽm về lâu dài có thể dẫn đến trẻ chậm phát triển tầm vóc, trí tuệ, giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng. Vì sự phát triển của bào thai tạo nền tảng cho sự phát triển tầm vóc của trẻ sau khi sinh ra đời, thai phụ nên chú ý bổ sung kẽm khi mang thai trong giai đoạn sáu tháng đầu.
Nhận biết thiếu kẽm
75-80% bà mẹ mang thai bị nghén trong bốn tháng đầu nên khó có thể nhận biết nghén sinh lý (tình trạng buồn nôn hay nôn xảy ra bất kỳ thời gian nào kể cả ngày hay đêm trong ba tháng đầu của thai kỳ) hay nghén do thiếu kẽm.
Bà mẹ cần theo dõi những dấu hiệu nghén để nhận biết tình trạng thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai như: nghén nặng và giảm ăn kéo dài, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của bào thai. Hơn nữa có thể còn làm giảm sự tích lũy năng lượng và các chất dinh dưỡng gây ra giảm tiết sữa mẹ sau sinh, mất sữa sớm (do không tích lũy năng lượng trước khi mang thai).
Ngoài việc dựa vào dấu hiệu nghén để nhận biết tình trạng thiếu kẽm, phụ nữ mang thai cần phải làm một số xét nghiệm (phân tích kẽm bằng cực phổ Polarography).
Nguồn cung cấp kẽm nào là phù hợp
Thiếu kẽm dễ nhận thấy ở mức tiêu thụ năng lượng và protein trong ba tháng đầu và ba tháng giữa của phụ nữ mang thai thấp hơn so với nhu cầu kiến nghị. Thiếu kiến thức về thực phẩm giàu kẽm của phụ nữ mang thai cũng là yếu tố góp phần gây ra tình trạng thiếu kẽm ở đối tượng này.
TS. BS Nguyễn Thành Danh (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho biết: các loại hải sản đều chứa hàm lượng kẽm cao, trong đó hàu được đánh giá cao nhất về hàm lượng kẽm. Ngoài ra thịt nạc đỏ, gan bò, ngũ cốc thô (nguyên hạt), rau củ, rau lá xanh và trái cây cũng là thực phẩm vàng cung cấp hàm lượng kẽm cao.