Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sinh ra thông minh lanh lợi và khoẻ mạnh. Những tranh luận gần đây “phát triển trí não ngay từ khi mang thai” và “di truyền có phải là yếu tố duy nhất quyết định trí thông minh của trẻ” đang thu hút được sự quan tâm của các mẹ trẻ đang mang thai.
Trí não của thai nhi và vai trò của người mẹ
Sự phát triển trí não của trẻ có thể được cải thiện bởi các tác động từ bên ngoài chứ không phải duy nhất phụ thuộc vào di truyền. Nhiều nghiên cứu uy tín gần đây đã chỉ ra vai trò rất quan trọng của mẹ trong việc tác động lên trí não trẻ không phụ thuộc vào di truyền; và kết quả rất đáng thuyết phục. Chính mẹ là người có ảnh hưởng lớn nhất để tạo ra sự tác động tích cực lên trí não của trẻ. Cụ thể, não trẻ bắt đầu phát triển từ khoảng tuần thứ 8 của thai kì và phát triển nhanh nhất ở 3 tháng cuối của thai kì cho tới lúc trẻ 1 tuổi. Như vậy khẳng định, phát triển trí não trẻ đã cần phải được quan tâm rất sớm ngay từ khi mẹ mang thai. Và sẽ thật đáng tiếc nếu các mẹ ngay từ khi mang bầu, không quan tâm để tác động trí não trẻ bởi họ không biết mình đang để phí mất cơ hội làm cho con mình thông minh hơn.
Thời điểm nào là thích hợp để phát triển trí não thai nhi?
Các công trình nghiên cứu cho thấy, sự phát triển của trí não thai nhi ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của đứa trẻ, nó quyết định trực tiếp đến khả năng tư duy, sự thông minh và các kĩ năng sống của đứa trẻ sau này. Và “Thời điểm vàng” để giúp thai nhi phát triển trí não tốt nhất chính là khoảng thời gian 3 tháng cuối thai kì và 12 tháng sau khi sinh. Lúc này, trí não trẻ phát triển rất nhanh và đạt 25% và 75% não người trưởng thành.
Ở giai đoạn mang thai, các mẹ có nhiều mối bận tâm nhưng cần quan tâm nhiều đến sự phát triển trí não của trẻ ngay từ tuần thứ 8 của thai kỳ trở đi và đặc biệt lưu ý 3 tháng cuối trước khi sinh. Đây là giai đoạn mà những tác động thông minh sẽ mang về hiệu quả tối đa, nói một cách dễ hiểu ấy là, mẹ mà cố gắng thêm lúc này thì con trẻ sẽ được hơn rất nhiều. Cũng phải nói thêm rằng, trí thông minh của trẻ không thể nhìn thấy lập tức như với cân nặng hay chiều cao, mà cần một quá trình hình thành và liên tục nuôi dưỡng, kích thích một cách hợp lý và khoa học.
Vai trò của dinh dưỡng
Dinh dưỡng có vai trò quyết định đến sự phát triển trí não của trẻ và đây là việc các bà mẹ có thể thực hiện dễ dàng nhưng lại ít được hiểu đầy đủ và đúng. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của các dưỡng chất quan trọng như DHA, Choline, axít Folic, sắt, kẽm, iốt, vitamin B12. Trong đó, DHA và Choline là hai dưỡng chất đặc biệt quan trọng tác động rất lớn đến sự phát triển trí não của thai nhi. Nói tới DHA, chắc chắn mẹ nào cũng biết tốt cho não rồi nhưng cụ thể cơ chế tác động và dung nạp như thế nào thì có lẽ không phải ai cũng biết. Ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kì DHA tích tụ vào não trẻ rất nhiều, tăng lên đến khoảng 3 – 5 lần cho tới khoảng 12 tuần đầu sau khi sinh.
Còn với Choline, đây là một dưỡng chất giúp phát triển cấu trúc não trẻ. Choline có khả năng hỗ trợ trí nhớ và học hỏi của trẻ sau này. Ở giai đoạn gần sinh, Choline đóng vai trò đặc biệt quan trọng với phát triển não và tủy sống và trẻ sẽ “lấy đi” lượng dự trữ Choline dự trữ lớn từ mẹ thông qua nhau thai. Đây là lý do tại sao gần đây chúng ta nghe nói nhiều đến vai trò của DHA và Choline đối với trí thông minh của trẻ. Hơn nữa, đúng dưỡng chất rồi, mẹ còn phải quan tâm cung cấp đủ lượng khuyến nghị cho từng thời điểm mang thai hay cho con bú để đạt hiệu quả tối đa. Thai phụ có thể căn cứ vào khuyến cáo sau đây của Bộ Y tế cũng như của các nhà nghiên cứu về nhu cầu một số dưỡng chất để áp dụng mỗi ngày trong thai kỳ và thời gian con bú: Năng lượng: 300 kcal và 500 kcal; DHA dạng tạo sẵn: 300mg (chung cho cả 2 giai đoạn); choline: 450mg và 550mg; axit folic: 600 mcg và 500 mcg; sắt: 60mg và 48mg; đạm: 25 g (chung cho cả 2 giai đoạn); kẽm: 3,4mg – 20mg và 4,3mg-19mg.
TS.BS Huỳnh Thị Thu Thuỷ – Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ