Tỉ lệ trẻ thường bị dị ứng thức ăn chỉ chiếm 6%. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần tỉnh táo để phát hiện ra phản ứng dị ứng ở con mình nếu chẳng may trẻ mắc phải.
Hệ thống miễn dịch và hệ tiêu hóa của trẻ chưa được ổn định như người lớn cho nên chưa thể ăn các loại thức ăn như người lớn được. Cha mẹ nên quan tâm và để ý các phản ứng nếu có mỗi khi cho con ăn bất kì loại thức ăn lạ nào.
Thường là sau 12 tháng, hệ thống miễn dịch và tiêu hóa của trẻ mới tương đối hoàn thiện. Lúc này cha mẹ mới nên cho con ăn các loại thức ăn dễ gây dị ứng nhất như lòng trắng trứng, cá, động vật có vỏ, hạt cây, lạc, mật ong… Các loại thức ăn này có tính kích thích cao hơn các loại thức ăn khác nên nguy cơ dị ứng thường xảy ra ở một số người.
Nếu cho trẻ em ăn các loại hạt, cha mẹ nên cắt nhỏ tùy theo khả năng của con để tránh con bị hóc và nghẹt thở.
Trước đây, các món ăn như trứng, đậu phộng, hạt cây, cá và động vật có vỏ thường được cảnh báo không dành cho trẻ dưới 3 tuổi để tránh nguy cơ bị dị ứng. Nhưng gần đây, Viện Nhi khoa Mỹ đã có kết luận rằng không có căn cứ khoa học nào chứng tỏ trẻ em dưới 3 tuổi không được ăn các loại thực phẩm trên. Theo nghiên cứu của Viện này thì nếu gia đình bạn không có tiền sử bị dị ứng thực phẩm thì ngay khi con được một tuổi, cha mẹ có thể cho con ăn những loại thức ăn trên.
Còn nếu trong gia đình bạn có tiền sử dị ứng thực phẩm thì bạn nên tham khảo lời khuyên sau của các chuyên gia: Cho con bú mẹ đầy đủ trong 6 tháng đầu đời, bắt đầu cho con ăn thức ăn đặc sau 6 tháng. Tới khi con được hơn 1 tuổi thì mới nên cho con ăn các sản phẩm của đậu nành, sau 2 tuổi mới ăn trứng và sữa bò, sau 3 tuổi thì có thể cho ăn đậu phộng, hạt cây và hải sản.
Nói như vậy không có nghĩa là dị ứng thức ăn ở trẻ thường xuyên xảy ra. Tỉ lệ trẻ thường bị dị ứng thức ăn chỉ chiếm 6%. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần tỉnh táo để phát hiện ra phản ứng dị ứng ở con mình nếu chẳng may trẻ mắc phải.
Những triệu chứng dị ứng thực phẩm thường gặp ở trẻ bao gồm:
Phát ban; Ói mửa; Thở khò khè; Chảy nước mũi; Sưng môi và mặt; Ngứa vùng mắt
Nếu để lâu, các triệu chứng trên có thể trở nên trầm trọng và nặng hơn, có dấu hiệu như: Khó thở; Ngứa miệng và cổ họng; Nhạt, xanh da; Tim đập chậm
Nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến bác sĩ để được điều trị kịp thời. Phát hiện và được chữa trị kịp thời, trẻ sẽ không mất sức và sớm bình phục.