Cóc là loại động vật quen thuộc nhiều người biết. Thực ra chưa có một nghiên cứu khoa học về tác dụng của nhựa cóc trong y khoa tại Việt Nam, do đó việc sử dụng nhựa cóc trên người cần phải rất thận trọng, vì chất độc Bufotoxin là một chất không thể bị phân hủy bởi nhiệt độ.
Tuy vậy, tại Trung Quốc trong thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu theo hướng y học hiện đại được tiến hành, nhưng dù sao cũng mới thực hiện trên invitro, ví dụ như Tạp chí Trung Y năm 1985 của Trung Quốc có nói rằng, thuốc được điều chế từ nhựa cóc có thể điều trị các loại ung thư như ung thư gan, ung thư vú, ung thư bạch cầu (leucose), trị bệnh lao, các triệu chứng bệnh lý tim mạch như ngoại tâm thu, cơn đau thắt ngực… bằng dung dịch Hoa Thiềm tố (chất chiết xuất từ nhựa cóc) theo đường tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch.
Thuốc còn có tác dụng tăng bạch cầu, chống tác dụng của tia phóng xạ, chống ung thư invitro, tăng miễn dịch thể dịch và chống dị ứng trên chuột nhắt… nhưng dù sao chỉ nêu để tham khảo. Còn một số thuốc dùng từ cóc chỉ là theo kinh nghiệm dân gian và y học cổ truyền.
Theo các sách y học cổ truyền, nhựa cóc gọi là Thiềm tô có tác dụng tiêu thũng giải độc, chỉ thống, khai khiếu, tiêu tích, cường tâm. Trong dân gian dùng nhựa cóc trị bệnh chó dại cắn (!), trẻ em suy dinh dưỡng, mụn nhọt, lợi răng sưng đau… Một bài thuốc Đông y kinh điển là Lục thần hoàn có tác dụng trị cảm sốt nặng, mê man, kinh giản, suy tim… có thành phần dược liệu bao gồm xạ hương, trân châu, băng phiến, nhựa cóc và ngưu hoàng.
Ngoài ra, còn có khá nhiều đơn thuốc Đông y trong thành phần có chứa cóc, hầu hết đều xuất phát từ kinh nghiệm gia truyền. Các tác dụng điều trị bao gồm trẻ em cam tích, bụng ỏng, đít teo, hao gầy, chậm lớn (các triệu chứng của suy dinh dưỡng trẻ em). Tuy vậy, trong thành phần bài thuốc, hàm lượng cóc chỉ chiếm một lượng nhỏ bên cạnh nhiều vị thuốc có tác dụng kiện tỳ tiêu thực theo Đông y như mạch nha, sơn tra, thần khúc, hạt sen, hoài sơn,… được sử dụng từ thịt cóc đông y gọi là Thiềm nhục.
Để tham khảo và áp dụng dưới đây xin giới thiệu một số phương thuốc chữa trị nhiều bệnh chứng từ con cóc (tuy đã có khá nhiều bài thuốc có thịt cóc như viên cam cóc, bột dinh dưỡng 0106, thuốc cam Hàng Bạc, bột cóc Baby…. lưu hành trên thị trường).
– Trị suy dinh dưỡng ở trẻ em: Dùng viên cam cóc gồm bột thịt cóc 100g, bột chuối tây 150g, bột lòng đỏ trứng gà 20g, tất cả trộn đều làm thành viên 4g, mỗi ngày uống 4 viên chia 2 lần với nước nóng.
– Chữa cam tẩu mã ở trẻ em: Bột than cóc trộn với mật ong, bôi vào nơi tổn thương, ngày bôi 2 – 3 lần. Đồng thời lấy quả ké đầu ngựa và lá đinh lăng nấu nước, lấy nước này súc miệng.
– Điều trị Eczema: Bột than cóc trộn với dầu dừa đem bôi vào chỗ bị bệnh. Nếu không có dầu dừa thì thay bằng dầu vừng hoặc mỡ lợn. Tuy nhiên dùng dầu dừa vẫn hiệu quả nhất.
Kết hợp dùng phương thuốc để rửa nơi bị tổn thương gồm lá kinh giới, lá vông, cây cứt lợn, lấy ba thứ này nấu nước để rửa tại chỗ, kết quả rất tốt.
– Viêm trong lỗ tai gây đau nhức, chảy nước mùi hôi tanh: Kim ngân nấu lấy nước, một lượng nhỏ bột cóc pha vào, dùng bông y tế lọc lấy nước trong, lấy nước này nhỏ vào tai. Tác dụng chống viêm, bệnh khỏi rất nhanh.
– Trẻ em bị chốc đầu: Lá khế và lá tía tô nấu lấy nước để gội đầu, lá vông phơi khô rồi đốt thành than. Bột than lá vông và bột than cóc trộn đều, rắc lên vùng tổn thương. Cách này rất hiệu quả.
– Cách làm bột than cóc: Dùng đất và nước nhào trộn với nhau, luyện cho thật dẻo giống như người làm đất đóng gạch rồi nặn thành hình cái nồi to bằng cái bát ăn cơm. Bắt một con cóc đập chết, bỏ vào nồi, dùng đất để bịt kín toàn bộ, hòn đất tròn như quả bóng, lớp vỏ dày từ 1,5 – 2cm là được sau đó đưa vào lò than để nung tới khi thấy hòn đất đỏ rực như hòn than, để tiếp 5- 7 phút là có thể được. Đưa hòn đất ra ngoài 4 – 5 tiếng cho nguội hẳn. Sau đó đập đất lấy than cóc bên trong, tán mịn, đựng vào lọ đậy kín để dùng dần.