Các kết quả khoa học nhiều năm qua trên thế giới chứng minh rằng, có thể phòng ngừa được tới 80 – 90% viêm gan B nếu trẻ được tiêm đầy đủ 3 mũi vaccin, đặc biệt mũi 1 phải tiêm ngay trong vòng 24 giờ sau sinh. Trong nhiều năm qua, Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) Quốc gia đã cố gắng mang lại quyền lợi này cho tất cả trẻ em Việt Nam. Cộng đồng cần có những hiểu biết đầy đủ về bệnh và tác dụng của vaccin để mọi trẻ em có được sự phòng ngừa bệnh tốt nhất.
Tất cả những trường hợp viêm gan B đều chưa từng được bảo vệ bằng vaccin
TS. Trịnh Thị Ngọc, Trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những nghiên cứu điều tra mới nhất thì hiện nay tỉ lệ nhiễm virut viêm gan B (HBV) ở nước ta rất cao, từ 10-20% dân số, thậm chí còn cao hơn và được xếp vào nhóm các quốc gia có tỉ lệ viêm gan B cao nhất thế giới. Những người nhiễm HBV đều có nguy cơ biến thành viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan và dẫn đến tử vong. Sự lây truyền xảy ra theo các con đường truyền máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Tất cả mọi người có xét nghiệm HbsAg dương tính đều có khả năng lây truyền bệnh. Nhóm người có nguy cơ cao là tiêm chích ma tuý, phải truyền máu nhiều lần, người có quan hệ tình dục không an toàn và trẻ sinh ra từ những phụ nữ có HBV. Những trẻ sơ sinh bị nhiễm HBV rất dễ bị viêm gan mạn tính, xơ gan hoặc ung thư gan nguyên phát và có tuổi thọ ngắn ngủi. Người ta ước tính có khoảng 15 – 20% số người nhiễm HBV sẽ chết sớm vì xơ gan hoặc ung thư gan. HBV còn là nguyên nhân gây nên 80% các trường hợp ung thư gan trên thế giới.
Khác với các bệnh truyền nhiễm khác như sốt phát ban, quai bị hay thủy đậu…, số bệnh nhân nhập viện tăng lên theo mùa nhưng bệnh nhân viêm gan B thì luôn đông quanh năm. Hiện tại riêng phòng điều trị viêm gan số bệnh nhân luôn gấp 3-4 lần số giường điều trị, dẫn đến tình trạng quá tải. Hầu hết những bệnh nhân nhập viện đều ở trong tình trạng rất nặng, đã có nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan cổ trướng, viêm gan mạn tính, thậm chí là ung thư gan. Bên cạnh đó chúng tôi còn phải theo dõi và điều trị ngoại trú cho rất nhiều trường hợp, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Tất cả những trường hợp viêm gan B đều chưa từng được bảo vệ bằng vaccin.
Tiêm vaccin viêm gan B là một giải pháp phòng bệnh tốt nhất
TS. Jean Marc Olive’ – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, con đường lây truyền của virut viêm gan B không khác gì với HIV, đó là qua đường tình dục, mẹ truyền sang con và lây qua đường tiêm chích. Khác với HIV, bệnh viêm gan B đã có vaccin phòng ngừa và thực sự phát huy hiệu quả. Tại Việt Nam, tỷ lệ người nhiễm virut viêm gan B là rất cao, chiếm tới 10 – 15% dân số, thậm chí trong những nhóm người có nguy cơ cao, tỷ lệ này còn là 20%. Những em bé được sinh ra từ những bà mẹ có virut viêm gan B sẽ có nguy cơ nhiễm virut này tới 90%. Nếu không được tiêm vaccin phòng bệnh, những em bé này tiếp tục là nguồn lây trong cộng đồng, 10-15 năm sau chúng sẽ mắc phải các biến chứng nguy hiểm như viêm gan B mạn tính, xơ gan, ung thư gan.
Sự ra đời của vaccin viêm gan B thật sự là một cứu cánh cho căn bệnh nguy hiểm này, không có biện pháp phòng bệnh nào tốt hơn là tiêm phòng vaccin viêm gan B. Tại Việt Nam, việc đưa vaccin viêm gan B vào tiêm chủng thường xuyên cho trẻ là việc làm thật sự cần thiết, đáp ứng nhu cầu cấp thiết đối với căn bệnh này. Trên thế giới, từ năm 1977, người ta đã khuyến cáo cần phải đưa vaccin viêm gan B vào Chương trình TCMR cho trẻ em sơ sinh, những cư dân sống ở những vùng có tỷ lệ mắc bệnh cao cũng cần thiết được tiêm phòng bệnh. Khi được bảo vệ bằng vaccin, trẻ em sinh ra từ những người mẹ có HBsAg cũng sẽ tránh được nguy cơ lây nhiễm từ người mẹ.
Vaccin viêm gan B có tính an toàn cao nhất
TS. Trịnh Thị Ngọc khẳng định, vaccin viêm gan B là vaccin có tính an toàn cao nhất trong tất cả những vaccin đang được sử dụng trên thế giới. Các bậc cha mẹ cần lựa chọn biện pháp tiêm chủng để phòng bệnh tốt nhất cho con mình, cần hiểu đầy đủ giá trị của vaccin viêm gan B. Mỗi người mẹ, đặc biệt là những người đã nhiễm virut viêm gan B cần phải chia sẻ trách nhiệm với các nhân viên tiêm chủng khi họ tiêm phòng cho con mình, bởi chỉ có vaccin mới bảo vệ được con họ trước căn bệnh này.
GS. Beas Ley – một chuyên gia về viêm gan B của Mỹ khi sang Việt Nam đã khẳng định: Muốn phòng bệnh cho trẻ có mẹ dương tính với virut thì phải tiêm ngay vaccin viêm gan B và kháng thể Hepabig vài phút sau khi sinh, nếu để sau vài giờ đã là quá muộn. Vì thế chúng ta không thể trì hoãn lịch tiêm cho trẻ, kể cả những trẻ sinh ra từ mẹ không bị nhiễm virut viêm gan B thì vẫn phải tiêm ngay sau khi sinh mới có tác dụng phòng được bệnh. |