TS-BS Cao Vũ Hùng, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) cho biết, động kinh là một nhóm đa dạng các bệnh mãn tính của não, thể hiện trên lâm sàng là các cơn động kinh tái phát. Trong các bệnh lý thần kinh ở trẻ em, động kinh vẫn là nhóm bệnh phức tạp và phổ biến, đứng hàng thứ hai sau các nhiễm trùng thần kinh. Tỷ lệ động kinh thay đổi tùy theo từng quốc gia khác nhau, từ 0,5-1% dân số, ở Việt Nam cũng tương tự với tỷ lệ này.
Theo một báo cáo tổng hợp về động kinh ở trẻ em, ước tính có khoảng 10,5 triệu trẻ em dưới 15 tuổi đang mắc bệnh động kinh, chiếm khoảng 25% tổng số người mắc động kinh trên toàn cầu.
Động kinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên như: bị ngạt trong lúc sinh, tiền sử viêm não, viêm màng não, chấn thương, sốt cao co giật nhiều lần, do bệnh bẩm sinh, thế hệ trước có người bị thì thế hệ sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, và cả nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân.
Chữa trị như thế nào?
Theo TS-BS Cao Vũ Hùng, khoảng 20% bệnh nhân điều trị động kinh bằng thuốc không đáp ứng với điều trị (kháng trị). Nhóm động kinh khó trị là những trường hợp có ít nhất 1 cơn động kinh mỗi tháng trong vòng 12 tháng qua, dù đã được điều trị bằng ít nhất 3 loại thuốc chống động kinh ở liều tối đa, nhóm này chiếm 13-17% bệnh nhân. Trong phân loại động kinh, đây là nhóm nặng nhất, các cơn động kinh tái phát không kiểm soát được sẽ gây nhiều tác hại cho bệnh nhi.
Ở trẻ càng nhỏ, tác hại về phát triển tinh thần vận động càng lớn. Ở trẻ lớn hơn, cơn động kinh có thể gây nguy hiểm cho tính mạng khi trẻ tham gia giao thông, lao động, chơi thể thao.
Ở bất cứ lứa tuổi nào thì động kinh cũng gây ảnh hưởng xấu đến phát triển tâm lý – nhân cách, đến khả năng học tập, lao động và hòa nhập xã hội.
Trong số các bệnh nhân kháng trị có một tỷ lệ có thể lựa chọn cho chỉ định điều trị bằng phẫu thuật. Trước tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân cần được chẩn đoán xác định vùng não bị tổn thương gây khởi phát cơn động kinh. Thời gian tiến hành phẫu thuật tùy thuộc vào vị trí tổn thương. Nếu vùng tổn thương ở vị trí sâu thì cuộc mổ phải kéo dài hơn, khó khăn hơn. Thường phải kéo dài trong 10 giờ đồng hồ. Đây là phẫu thuật đòi hỏi sự chính xác, phẫu thuật viên có kinh nghiệm. Một trong những khó khăn nhất của kỹ thuật này là định khu – xác định chính xác vùng não tổn thương gây động kinh. Việc áp dụng phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh nhi bị động kinh kháng thuốc là có thêm một lựa chọn tốt trong điều trị căn bệnh nan giải này. Đây là hướng mới để các nhà thần kinh học, ngoại khoa triển khai, giúp nhiều trường hợp bị động kinh không đáp ứng thuốc được điều trị.