Có rất rất nhiều điều bạn phải lưu tâm khi mang thai, từ dinh dưỡng, dùng thuốc, bổ sung vitamin, chăm sóc sức khỏe… nhưng bên cạnh đó còn những gì nữa? Dưới đây là một số điều bà mẹ mang thai cần biết để bổ sung thêm kiến thức nhé.
Siêu âm nhiều không tốt cho thai nhi?
Siêu âm là một kỹ thuật y học mới, được xem như một dạng xét nghiệm khi điều trị, trong đó có cả chăm sóc thai sản. Qua siêu âm, bác sĩ sẽ biết tình trạng phát triển của thai nhi cụ thể hơn qua mỗi thời kỳ.
Lợi ích của siêu âm thì đã rõ, tuy nhiên tác hại của nó đối với sức khỏe, nhất là sức khỏe của thai nhi như thế nào, đến nay vẫn còn chưa ngã ngũ. Chính vì thế, khi mang thai, người mẹ không nên siêu âm nhiều lần, trừ trường hợp có sự chỉ định của bác sĩ.
Theo tiêu chuẩn y tế, trong suốt thời gian mang thai, thai phụ chỉ cần siêu âm ba lần. Lần đầu tiên ở tuần thứ 11 – 13 để xác định tuổi thai và tầm soát bệnh Down ở thai nhi, lần thứ hai vào tuần thứ 18 – 20 để kiểm tra sự phát triển của thai nhi, và lần chót trước khi sinh.
Tại sao phụ nữ mang thai bị đái tháo đường?
Có khoảng 3% phụ nữ lúc mang thai (ở tháng thứ tám, hoặc sớm hơn) bị đái tháo đường. Đái tháo đường lúc mang thai là do insulin tăng lên, khi thai phát triển, nhu cầu cung cấp năng lượng của người mẹ cũng tăng lên, đòi hỏi một lượng insulin nhiều hơn để đưa đường từ máu vào tế bào.
Vào thời gian này (ba tháng cuối), nhu cầu insulin của người mẹ tăng gấp hai, ba lần so với lúc bình thường. Mặt khác, ba tháng cuối của thời gian mang thai cơ thể người mẹ lại sinh ra các nội tiết tố có tác dụng kháng insulin. Đái tháo đường lúc mang thai thường xảy ra ở những phụ nữ béo, tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường, đã từng sinh con có cân nặng trên 4kg, hoặc người mang thai ở lứa tuổi trên 35.
Phụ nữ bị hen, tim bẩm sinh… có ảnh hưởng gì đến thai nhi?
Trong thực tế có khoảng 7% phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ bị lên cơn hen. Tuy nhiên, có thể kiểm soát tốt căn bệnh này. Hầu hết các biện pháp được sử dụng để kiểm soát hen không có hại cho sự phát triển của thai nhi.
Phụ nữ bị bệnh tim bẩm sinh khi mang thai, thai nhi sẽ phát triển kém do người mẹ thường bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Nếu thiếu oxy và dưỡng chất kéo dài, trẻ khi sinh ra sẽ thiếu cân (dưới 2,5 cân), hoặc bị sinh non. Tuy nhiên, bệnh tim có nhiều loại, nếu bị nhẹ vẫn có thể sinh con bình thường; nhưng nếu bị hẹp van hai lá, hoặc tim đã suy mà mang thai và sinh nở sẽ rất nguy hiểm cho người mẹ, gặp trường hợp này cần được bác sĩ tư vấn cẩn thận.
DHA có tầm quan trọng như thế nào với phụ nữ có thai và cho con bú?
DHA có tên gọi đầy đủ Docosa Hexaenoic Acid, một acid béo thuộc nhóm omega-3, cần thiết cho sự hoàn thiện của hệ thần kinh, đặc biệt là thị giác và tổ chức não. Nếu thiếu DHA trong quá trình phát triển, trẻ sẽ có chỉ số thông minh (IQ) thấp. Một nghiên cứu theo dõi trẻ từ lúc mới sinh tới tám – chín tuổi, cho thấy trẻ được bú sữa mẹ và ăn đủ chất chứa DHA có chỉ số IQ cao hơn 8,3 điểm so với những trẻ ít, hoặc không được bú sữa mẹ và không được cung cấp đầy đủ DHA. DHA là một chất rất quan trọng, nhưng cơ thể không tự tổng hợp được, mà phải thu nạp từ nguồn thực phẩm.
Bởi vậy, các nhà dinh dưỡng học khuyến cáo, chế độ ăn trước và trong khi có thai của người phụ nữ rất quan trọng đối với việc dự trữ các acid béo không no cần thiết (EFAs) cho thai nhi, đặc biệt trong ba tháng cuối. DHA có nhiều trong dầu cá, cá và thủy hải sản. Sữa mẹ cung cấp đủ EFAs cho trẻ. Cho nên, việc cho con bú sữa mẹ trong sáu tháng đầu là rất quan trọng.
Có phải phụ nữ mang thai thường bị thiếu máu?
Những phụ nữ mang thai thường bị thiếu máu, do giảm số lượng hồng cầu, hoặc có thể thiếu máu do nuôi dưỡng thai nhi, nhất là vào những tháng cuối. Do vậy, phụ nữ mang thai cần bổ sung ăn uống bằng những thức ăn giàu đạm và chất sắt để tạo hồng cầu. Các thức ăn đó là: bột mì, khoai… (nhóm giàu cacbon hydrat), thịt, cá, trứng, gan, tôm, đỗ, nấm… (nhóm giàu protein), dầu thực vật (nhóm giàu lipid), rau, quả, củ các loại, trong đó thực phẩm có nhiều chất sắt là rau muống, rau dền, rau ngót…
Phụ nữ đang mang thai có nên tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe?
Tập thể dục trong thời gian mang thai là việc rất đáng khích lệ, bởi nó giúp cho phụ nữ khỏe mạnh và sau khi sinh mau hồi phục. Tuy nhiên, việc tập luyện thời gian này phải hết sức cẩn thận. Cường độ tập luyện không quá cao, bởi khi người mẹ thở dốc là em bé đang bị thiếu oxy. Tuyệt đối không được tham gia tập các môn thể thao đòi hỏi phải vận động mạnh, quá sức. Ngoài các bài tập dành riêng cho thai phụ, có thể đi bộ chậm, bơi lội nhưng tránh đừng lặn sâu.
nguyễn diệu minh đã bình luận
bác sĩ thân mến!
hiện nay em đã có thai tuần thư 7, nhưng trước đó khoang tuần thứ nhất hay thứ 2 gì đó em bị cảm cúm, nhưng do không biết mình mang thai, mặc dù không uống thuốc nhưng em đã dùng một số lá cây nấu lên đê xông. liệu có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thai nhi không thưa bác sĩ?
Thanh Van đã bình luận
Chào MYC! MYC ơi vui lòng tư ván cho em một chút nhé, hiện tại em đang lo lắm.
Em bị trễ kinh 5 ngày, thử que có 2 vạch nhưng lại bị ra máu như khi hành kinh vậy, đã 2 ngày nay rồi, ngày đầu ra nhiều, ngày sau ra ít. Em không bị đau bụng hay cảm thấy mệt mỏi chỉ hơi sốt nhẹ thôi.Có phải em bị sảy thai phải không MYC?Khi bị sảy thai sẹ có những biểu hiện như thế nào? Mong MYC trả lời sớm giúp em, đây là lần mang thai đầu tiên của em nên chẳng có kinh nghiệm gì, năm nay em 28tuo63i. Cám ơn MYC nhiều lắm. Mong!
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Nếu có 2 vạch đậm như nhau khi làm test, bây giờ ra máu thì có thể sảy thai non, bạn nên XN định lượng hCG, siêu âm lại buồng tử cung.